Vào năm 2020, các nhà nghiên cứu đã phát hiện loài động vật dài nhất từ trước đến nay. Sinh vật được phát hiện trong một hẻm núi biển sâu ngoài khơi Australia là một siphonophore dài khoảng 45m. Mỗi thành viên của loài này được tạo thành từ rất nhiều động vật nhỏ hơn được gọi là zooid, kết nối với nhau để tạo thành một đàn dài, tương tự như san hô nhưng bơi tự do trong đại dương.
Siphonophore sống ở độ sâu từ 700-1.000m dưới bề mặt, theo Thủy cung Vịnh Monterey ở California (Mỹ). Nhưng các nhà khoa học không phải lúc nào cũng phải đi đến những độ sâu như vậy để tìm ra những sinh vật khổng lồ mới. Vào năm 2011, một loài cá voi chưa từng được biết đến trước đó đã dạt vào một bãi biển ở New Zealand. Năm 2021, sinh vật khổng lồ này là được xác định một thành viên mới của họ cá voi mõm khoằm - một nhóm cá voi thích lặn sâu hiếm khi được nhìn thấy còn sống, theo tổ chức từ thiện quốc tế Whale and Dolphin Conservation.
Trong khi các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu khám phá những bí mật của đại dương sâu thẳm, họ đã quen thuộc hơn rất nhiều với các loài động vật lớn sống trên đất liền. Với chiều cao lên tới 4m và nặng tới 10 tấn, voi Châu Phi hiện là động vật sống trên cạn lớn nhất trên Trái đất, theo The Nature Conservancy. Thật khó để tưởng tượng chúng ta có thể bỏ lỡ một sinh vật to lớn, có kích thước như con voi đang tồn tại trên hành tinh của chúng ta.
Có lẽ đây là lý do tại sao hầu hết các nghiên cứu về động vật lớn trên cạn có xu hướng dẫn đến việc phân loại lại hơn là những khám phá hoàn toàn mới. Ví dụ, năm 2017, các nhà nghiên cứu xác định một nhóm đười ươi sống biệt lập trên đảo Sumatra (Indonesia) là một loài khác biệt với các loài đười ươi khác và đặt tên chúng là đười ươi Tapanuli (Pongo tapanuliensis), Live Science trước đó đưa tin.
Các loài động vật trên cạn lớn nhất chưa được biết đến có xu hướng "bị đào lên" hơn là được nhìn thấy còn sống. Con người vẫn đang nghiên cứu lịch sử địa chất của Trái đất và tìm kiếm những sinh vật khổng lồ chưa từng được biết đến trước đây trong hồ sơ hóa thạch. Đứng đầu trong số những sinh vật khổng lồ được phát hiện gần đây là một nhóm khủng long sauropod siêu lớn được gọi là titanosaurs - động vật ăn cỏ cổ dài, khổng lồ.
Con khủng long nặng nhất và có khả năng lớn nhất trong số tất cả các loài khủng long titanosaurus có thể là một con Argentinosaurus. Được phát hiện vào năm 1993, xương của con Argentinosaurus cho thấy nó dài 35 m và nặng tới 70 tấn, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London.
Các nhà khoa học không có lý thuyết về kích thước tối đa cho một loài động vật trên cạn. Nếu tính cả động vật biển, cá voi xanh (Balaenoptera musculus) là loài động vật nặng nhất được ghi nhận, với trọng lượng tối đa ít nhất là 136 tấn. Tuy nhiên, chúng không phải chống đỡ trọng lượng của mình như khủng long titanosaurs đã làm.
Theo các nhà khoa học, phải có một giới hạn nào đó đối với việc các loài động vật to lớn có thể phát triển mà vẫn chống đỡ được dưới sức nặng của trọng lực và nhận đủ năng lượng để giúp cho cơ thể to lớn của chúng chuyển động. Tuy nhiên, họ không thể đưa ra giới hạn đó, vì có thể ai đó sẽ tìm thấy những sinh vật lớn hơn trong tương lai.