Trong bối cảnh số ca COVID-19 được xác nhận trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 2,5 triệu, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc ước tính, số người bị đói trên thế giới có thể tăng gần gấp đôi vào cuối năm nay, ABC đưa tin.
Giám đốc điều hành của WFP David Beasley cảnh báo thế giới "bên bờ vực của đại dịch đói" nếu không có hành động ngay lập tức được thực hiện.
Theo ông, các quốc gia có nguy cơ cao nhất là ở khu vực Châu Phi và Trung Đông.
Thông tin được Giám đốc điều hành WFP phát biểu trong cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 21.4.
Ông nói rằng, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 trở thành mối quan tâm, ông đã trao đổi với các nhà lãnh đạo thế giới rằng, năm nay có thể dẫn tới "cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2".
Trên khắp thế giới, mỗi đêm, 821 triệu người đi ngủ với cái đói, 135 triệu người nữa đang phải đối mặt với "mức độ khủng hoảng đói hoặc tệ hơn", ông Beasley cho biết.
Theo ông, một phân tích mới của Chương trình Lương thực Thế giới cho thấy, hệ quả của đại dịch COVID-19 là thêm 130 triệu người "có thể bị đẩy đến bờ vực của thiếu ăn vào cuối năm 2020".
Giám đốc điều hành WFP cũng cho hay, tổ chức này đã cung cấp thực phẩm cho gần 100 triệu người, trong đó có "khoảng 30 triệu người thực sự phụ thuộc vào chúng tôi để sống sót".
Ông Beasley hiện đang hồi phục sau khi mắc COVID-19, cho biết, nếu không tiếp cận được những người này, "300.000 người có thể chết đói mỗi ngày trong khoảng thời gian ba tháng". Ông lưu ý rằng, con số này chưa bao gồm tình trạng thiếu ăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Lãnh đạo cơ quan lương thực của Liên Hợp Quốc cảnh báo, trong trường hợp xấu nhất "chúng ta có thể thấy nạn đói ở khoảng ba chục quốc gia".
WFP cũng cảnh báo rằng, ngoài suy dinh dưỡng, việc thiếu thực phẩm sẽ khiến những người này có hệ thống miễn dịch yếu hơn, dẫn tới đặc biệt dễ mắc COVID-19.