Theo một nghiên cứu được công bố trong tháng 8 trên tạp chí the Monthly Notices of the Royal Astronomical Society, 1 tỉ năm trước, một ngôi sao khổng lồ màu vàng, lớn gấp 100 lần Mặt trời, đã sụp đổ, tạo ra sóng xung kích và vô số các mảnh vỡ phóng ra xung quanh như một trận đại hồng thủy.
Tác giả chính của nghiên cứu, Patrick Armstrong, một nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho biết, kính thiên văn Kepler của NASA đã may mắn bắt được những tín hiệu này và ''ánh sáng mà chúng ta nhìn thấy thực ra là những gì còn sót lại của ngôi sao đó từ 1 tỉ năm trước''.
Dữ liệu mang tính đột phá từ Kepler được đưa ra sau 3 năm kể từ khi kính thiên văn này ngừng hoạt động vào năm 2018, kết thúc 9 năm hoạt động bền bỉ.
Là sứ mệnh đầu tiên của NASA trong thực hiện khảo sát các ngoại hành tinh trong thiên hà của Trái đất, kính thiên văn Kepler với khả năng trắc quang chính xác cho phép mở ra một kho tàng vũ trụ khổng lồ, bao gồm cả các hiện tượng đã từng xảy ra và khó theo dõi như siêu tân tinh vì chúng nổ ra rất nhanh và khuất tầm nhìn.
Brad Tucker, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu và là người hướng dẫn nghiên cứu sinh Armstrong tại ANU, đã cùng nhóm nghiên cứu xem xét những dữ liệu do kính thiên văn Kepler ghi lại kể từ năm 2013.
Đồng tác giả Tucker cho biết: “Một ngôi sao phát nổ khoảng 100 năm một lần trong thiên hà trung bình và kính Kepler cho phép chúng tôi sắp xếp thứ tự các dữ liệu sau khi theo dõi hàng chục nghìn thiên hà''.
Theo cách như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian để nghiền ngẫm và nghiên cứu nhưng ông Tucker cho rằng, kho dữ liệu khổng lồ vẫn có thể cho ra những phát hiện mới về siêu tân tinh trong thời gian tới.
Dữ liệu Kepler về siêu tân tinh vừa được phát hiện là chưa từng có và là lần đầu tiên mang đến một cái nhìn rõ ràng về tiến trình của sóng xung kích của một ngôi sao vào cuối vòng đời của nó. Sóng xung kích bắt đầu phát ra từ những khoảnh khắc sớm nhất của vụ nổ.
Siêu tân tinh đã được nhóm nghiên cứu đặt tên là SN2017jgh, hứa hẹn sẽ mở mang thêm hiểu biết của các nhà khoa học về cách các ngôi sao tồn tại và biến mất.
Nghiên cứu một siêu tân tinh có thể tiết lộ nhiều chi tiết về một ngôi sao, bao gồm cả kích thước và thành phần của nó. Bản thân vụ nổ tạo ra một hỗn hợp nguyên thủy gồm các proton và neutron và cuối cùng có thể dẫn đến sự ra đời của các hành tinh và ngôi sao mới.
Mặt khác, nghiên cứu siêu tân tinh cũng giúp trả lời một số câu hỏi lớn về vũ trụ.
Tác giả Armstrong giải thích rằng, việc phân tích ánh sáng của các loại siêu tân tinh cụ thể có thể cho phép các nhà nghiên cứu xác định vũ trụ đang giãn nở và gia tốc nhanh như thế nào.
“Tất cả những điều này liên quan đến sự hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc và cấu tạo của vũ trụ và nhiều điều tương tự'' - nhà nghiên cứu Armstrong nói.
Hiện các nhà nghiên cứu đang trông đợi dữ liệu từ Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Quá cảnh (TESS) của NASA, được phóng vào vũ trụ vào năm 2018 và hoàn thành sứ mệnh chính vào năm 2020 trước khi bắt đầu giai đoạn mở rộng hoạt động.
Trong khi nhiệm vụ của Kepler chủ yếu là thống kê - để khám phá xem liệu các ngoại hành tinh cỡ Trái đất có phổ biến hay không - thì TESS được thiết kế để xác định các hệ thống ngoại hành tinh cụ thể cần được kiểm tra thêm.
Tucker giải thích rằng, TESS sẽ quan sát được nhiều hơn với chất lượng tốt hơn Kepler, giống như việc chuyển từ chất lượng màn hình 1080p sang màn hình 4k. Các nhà nghiên cứu cho biết, những công cụ như vậy khiến cho ngày nay trở thành thời kỳ thú vị cho thiên văn học.
“Chúng tôi đang bắt đầu nhìn thấy vũ trụ theo cách chưa từng có trước đây, theo đúng nghĩa đen. Chúng tôi từng cho rằng, vũ trụ khá tĩnh lặng với rất nhiều thứ không thay đổi hoặc nhiều thứ đã tồn tại hàng tỉ năm, nhưng càng quan sát, chúng tôi càng nhận ra vũ trụ của chúng ta thực sự năng động và phát triển” - tác giả Tucker nhận định.