Nhân kỷ niệm 30 năm ngày phóng kính thiên văn vũ trụ Hubble lên quỹ đạo trái đất, Hubble đã chụp một bức ảnh vũ trụ đẹp đến kinh ngạc.
Đó là một khu vực hình thành sao gần Dải Ngân hà, cách trái đất khoảng 163.000 năm ánh sáng.
Trong bức ảnh, phần lớn hơn là tinh vân NGC 2014; bạn đồng hành của nó được gọi là NGC 2020.
Nhưng các nhà thiên văn học đã đặt biệt danh cho bức ảnh là "Rạn vũ trụ" vì nó giống như một thế giới dưới đáy biển.
Kính thiên văn vũ trụ Hubble được tàu con thoi Discovery phóng lên vũ trụ vào ngày 24.4.1990. Từ vị trí của Hubble trong không gian, nó có thể quan sát các thiên thể ở xa một cách rõ ràng vì không bị ảnh hưởng bởi bầu khí quyển dày đặc và ô nhiễm của trái đất.
Những bức ảnh đáng chú ý mà Hubble đã chụp về các hành tinh, ngôi sao và các thiên hà đã làm thay đổi quan điểm của chúng ta về vũ trụ.
Thật vậy, có những người cho rằng Hubble là công cụ khoa học quan trọng nhất từng được chế tạo.
Sau 30 năm hoạt động, các nhà khoa học cho biết các trang thiết bị của Hubble vẫn hoạt động bình thường cho tới hết năm 2020.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu ESA cho biết sẽ tiếp tục tài trợ các hoạt động của Hubble miễn là chúng vẫn hiệu quả.
Năm ngoái, dữ liệu của Hubble đã đem đến gần 1.000 bài báo khoa học được công bố - vì vậy nó tiếp tục đứng ở vị trí hàng đầu trong khám phá vũ trụ.
Theo kế hoạch, thiết bị kế nhiệm Hubble là Kính viễn vọng không gian James Webb sẽ chính thức được đưa lên quỹ đạo trong năm tới. James Webb có đường kính gương gấp 3 lần Hubble, mạnh hơn và chi phí vận hành cũng tốn kém hơn.
Tuy nhiên, sự hiện diện trên quỹ đạo của đài quan sát hiện đại hơn này trong thực tế chỉ đơn thuần là mở rộng khả năng quan sát và nó sẽ không làm cho Hubble trở nên dư thừa.