Các quan chức Nhà Trắng tin rằng ảnh hưởng của suy thoái ở EU đối với nền kinh tế Mỹ sẽ là "khiêm tốn", trong khi một số nhà kinh tế cho rằng nó thực sự sẽ giúp ích cho Mỹ - tờ Washington Post đưa tin.
Với việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu tăng lãi suất thêm 0,75 điểm vào tuần trước trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao và lạm phát nhảy vọt, Nhà Trắng tin rằng "khả năng suy thoái ở Châu Âu khó có thể thay đổi theo quỹ đạo hiện tại" - tờ Washington Post viết.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ không nghĩ rằng một cuộc suy thoái ở Châu Âu nhất thiết sẽ gây ra một cuộc suy thoái ở Mỹ. Tác động đối với Mỹ từ suy thoái Châu Âu có thể sẽ "khiêm tốn và có thể kiểm soát được", vì thương mại với Châu Âu chỉ chiếm chưa đến 1% GDP của Mỹ - một quan chức chính quyền cấp cao nói với tờ Washington Post, trích dẫn ước tính của Bộ Tài chính Mỹ và Hội đồng Cố vấn Kinh tế.
Trong khi đó, Mỹ cũng có đủ lượng khí đốt của riêng mình để giảm thiểu tác động của việc Nga ngừng cung cấp năng lượng cho EU, tờ báo chỉ ra. Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ thực sự có thể được hưởng lợi từ toàn bộ tình hình vì nhu cầu năng lượng toàn cầu giảm, dẫn đến giảm bớt áp lực giá cả ở Mỹ.
“Nếu Châu Âu rơi vào suy thoái, rõ ràng nhu cầu đối với nhiều loại sản phẩm sẽ ít hơn. Dù rơi vào tình huống tồi tệ như vậy nhưng thực sự có thể là tích cực với Mỹ” - Dean Baker, đồng sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhận định.
Tuy nhiên, tờ Washington Post cảnh báo rằng mặc dù Mỹ sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc giảm xuất khẩu khí đốt của Nga, nhưng việc Nga ngừng xuất khẩu dầu hoàn toàn sẽ gây hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ.
Matthew J. Slaughter, nhà kinh tế tại Đại học Dartmouth, cho biết, nếu Châu Âu rơi vào tình trạng suy thoái sau khi Nga ngừng xuất khẩu năng lượng và dầu tăng lên 150 USD/thùng - thì điều đó có thể ảnh hưởng rất xấu đến Mỹ.
Mark Zandi - nhà kinh tế tại Moody’s Analytics - dự báo giá xăng sẽ quay trở lại mức kỷ lục 5 USD/gallon gần như chỉ sau một đêm nếu Nga từ chối xuất khẩu dầu. Zandi cảnh báo, nền kinh tế không thể chịu đựng được 5 USD/gallon xăng.
Các Bộ trưởng Tài chính G7 hôm 2.9 xác nhận ý định áp đặt giá trần với dầu của Nga như một phần chiến dịch trừng phạt mở rộng nhằm vào nước này vì chiến dịch quân sự ở Ukraina. Giá trần sẽ có hiệu lực vào ngày 5.12.2022 đối với dầu thô Nga và vào ngày 5.2.2023 đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu.
Ngược lại, Nga tuyên bố ngừng xuất khẩu mọi sản phẩm năng lượng cho các quốc gia áp đặt giá trần.