Loài "rồng bay" mới phát hiện thuộc nhóm dực long nguyên sơ thống lĩnh Trái đất khoảng 160 triệu năm trước. Sinh vật cổ đại này có đuôi dài nhọn, đôi cánh cùng những chiếc răng sắc bén hướng ra ngoài.
Hóa thạch của con quái vật thời tiền sử này được Osvaldo Rojas, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên và Văn hóa Sa mạc Atacama, phát hiện.
Các nhà khoa học tại Đại học Chile đã điều ra thêm về hóa thạch này. Chi tiết về khám phá được công bố trên tạp chí Acta Palaeontologica Polonica cho thấy mối liên hệ đầu tiên của sinh vật dạng này ở nam bán cầu.
“Điều này cho thấy sự phân bố của các loài động vật trong nhóm này rộng hơn so với những gì được biết đến từ trước đến nay" - trưởng nhóm nghiên cứu Jhonatan Alarcon của Đại học Chile chia sẻ.
Khám phá mới chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ và khả năng di cư giữa bán cầu bắc và nam bán cầu vào thời điểm hầu hết các khối đất liền phía nam của địa cầu được cho là có liên kết với siêu lục địa Gondwana.
“Có những loài dực long thuộc nhóm này cũng ở Cuba, nơi chúng dường như là những động vật ven biển. Do đó hầu hết chúng di cư giữa bắc và nam hoặc có thể đến đây và ở lại. Chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ" - nhà khoa học Alarcon cho biết thêm.
Sa mạc Atacama rộng lớn của Chile có cảnh quan chủ yếu là cát và đá. Sa mạc không có mưa trong nhiều thập kỷ này là một điểm nóng khám phá hóa thạch.