Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm 6.8 bày tỏ “cực kỳ lo ngại” về vụ pháo kích ngày 5.8 vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Rủi ro về một thảm họa hạt nhân tiềm tàng tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu là "rất thật", đe dọa sức khỏe cộng đồng không chỉ ở Ukraina mà các quốc gia khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Hành động quân sự gây nguy hiểm cho sự an toàn và an ninh của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hoàn toàn không thể chấp nhận được và phải tránh bằng mọi giá” - RT dẫn tuyên bố của Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết. Việc nhắm “hỏa lực quân sự” vào cơ sở này giống như “đùa với lửa, với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra” - ông Grossi nói thêm.
IAEA cũng đề nghị cử một phái đoàn đến nhà máy Zaporizhzhia để hỗ trợ kỹ thuật về an ninh và an toàn hạt nhân, đồng thời giúp ngăn chặn tình hình ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát. Ông Grossi cho biết sẵn sàng đích thân dẫn đầu một phái đoàn như vậy.
Phái đoàn sẽ tiến hành các hoạt động xác minh thiết yếu tại nhà máy, cung cấp thiết bị an toàn và an ninh hạt nhân. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, IAEA sẽ yêu cầu sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, cũng như "sự hợp tác, hiểu biết và tạo điều kiện thuận lợi" từ cả Mátxcơva và Kiev.
Tuyên bố của IAEA nêu rõ: “Tất cả chúng ta phải gạt sự khác biệt sang một bên và hành động ngay bây giờ. Chúng ta không thể để mất thêm thời gian nữa”.
Cho đến nay, cả Nga và Ukraina đều chưa phản ứng với đề xuất của IAEA.
Trong khi đó, Nga cáo buộc Ukraina pháo kích vào nhà máy, thúc giục Liên Hợp Quốc và IAEA yêu cầu Ukraina ngừng tấn công nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Châu Âu.
Nhà máy này bị lực lượng Nga chiếm giữ vào cuối tháng 2, khi Mátxcơva tiến hành chiến dịch quân sự ở quốc gia láng giềng. Cơ sở này tiếp tục hoạt động với các nhân viên Ukraina dưới sự kiểm soát của Nga.
Igor Vishnevetsky - quan chức cấp cao về không phổ biến và kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Nga - cảnh báo rằng vụ pháo kích vào nhà máy có nguy cơ gây ra một sự kiện tương tự như thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
“Chúng tôi muốn kêu gọi các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc và IAEA, cũng như các quốc gia có ảnh hưởng đến Kiev, hành động để dừng việc pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân ngay lập tức” - ông Vishnevetsky cho biết.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, một số phần tại nhà máy bị mất điện do vụ pháo kích, một đám cháy đã bùng phát nhưng nhanh chóng được dập tắt. Bộ tuyên bố, “nhờ may mắn tuyệt đối”, các quả đạn pháo của Ukraina đã không gây ra đám cháy lớn hơn và “một thảm họa hạt nhân có thể xảy ra”.
Bộ cáo buộc quân đội Ukraina cũng nã pháo vào thành phố Energodar liền kề, gây mất điện và gián đoạn nguồn cung cấp nước. Bộ kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án Ukraina vì “các hành động khủng bố hạt nhân”.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng vụ pháo kích vào nhà máy là do quân đội Nga. Ông Zelensky cho biết: “Đây là lý do để áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với toàn bộ ngành điện hạt nhân của Nga”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các quan chức Ukraina trước đó cáo buộc Nga sử dụng nhà máy này như một "lá chắn" cho binh lính của họ.
“Nga đang sử dụng nhà máy này như một căn cứ quân sự để bắn vào người Ukraina, biết rằng họ không thể và sẽ không bắn trả vì như vậy có thể vô tình tấn công lò phản ứng hoặc chất thải phóng xạ cao đang được lưu trữ” - ông Blinken cho biết hôm 1.8 tại Hội nghị Kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) tại Liên Hợp Quốc.
Phái đoàn Nga tham dự hội nghị đã đưa ra tuyên bố bác bỏ tuyên bố của ông Blinken. “Các hành động của lực lượng vũ trang Nga không đe doạ an toàn hạt nhân của Ukraina theo bất kỳ cách nào và không gây trở ngại cho hoạt động của nhà máy”.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi nhấn mạnh, nhà máy cần được kiểm tra để sửa chữa và “để ngăn chặn sự cố hạt nhân xảy ra”.
“Tình hình rất mong manh. Mọi nguyên tắc về an toàn hạt nhân đã bị vi phạm theo cách này hay cách khác và chúng tôi không thể cho phép điều đó tiếp tục” - ông Grossi cho biết sau đó tại một sự kiện ở New York.