Hồi sinh nhờ đông xác: Màn đánh lừa tử thần hay giấc mơ hoang đường?

Tường Linh (Theo Cnet) |

Chuyện giống như trong một bộ phim khoa học viễn tưởng: Người ta sẽ đưa ai đó vào một hộp rồi hạ nhiệt độ xuống dưới 0, giúp họ có giấc ngủ sâu kéo dài cả trăm năm mà không già và chết đi. Nhưng liệu kỹ thuật làm đông xác người có phải là cách giúp chúng ta đảo ngược cái chết và quy luật tự nhiên, hay chỉ là một giấc mơ về sự bất tử mà nhiều người vẫn thèm khát?

Chết không phải là kết thúc

Linda Chamberlain làm việc chỉ cách chồng bà một quãng ngắn. Ngày nào bà cũng đi ngang qua chỗ của chồng. Thi thoảng Linda rẽ qua và chào người đàn ông mà bà rất đỗi yêu thương. Vấn đề duy nhất là Fred Chamberlain, chồng bà, đã qua đời được 8 năm. Nhưng ngay trước khi cơ quan có trách nhiệm tuyên bố Fred đã chết vì ung thư tuyến tiền liệt, ông đã được làm đông lạnh cơ thể. Người ta bơm chất chống đông chuyên sử dụng trong y học vào người Fred, sau đó làm lạnh cả cơ thể xuống nhiệt độ -196 độ C rồi tiếp tục đưa ông vào nằm trong một thùng chứa đầy nitơ lỏng.

Vì thế, khi Linda lần đầu tới thăm Fred, bà đã phải “nói chuyện” với ông thông qua một bức vách thép, được cách nhiệt dày tới 30cm. Bức vách này thuộc về một khoang chứa chung của 8 người được tiến hành kỹ thuật đông xác như Fred. Trong căn phòng mà Linda tới, có nhiều khoang chứa như thế, nơi 170 con người đang nằm yên trong giấc ngủ vĩnh cửu. Tất cả họ khi còn sống đều đã lựa chọn việc bảo quản xác mình trong điều kiện nhiệt độ dưới 0 độ C, chờ đợi một tương lai nào đó sẽ hồi sinh, khi nhân loại có đủ trình độ công nghệ và y tế để thực hiện điều này. Và cùng nhau họ ngủ đông giữa lòng một sa mạc nóng bỏng ở tiểu bang Arizona, Mỹ.

Linda rất vui khi bà giới thiệu với phóng viên trang tin Cnet nơi chồng bà đang an nghỉ. Bà đặt tay lên bức vách thép và vỗ nhẹ vào đó đầy trìu mến. Có vẻ như việc ở trong căn phòng cùng 170 người đã chết không phải là vấn đề gì quá khủng khiếp với bà. "Tôi thấy rất vui. Vì tôi biết rằng tất cả họ sẽ có tiềm năng được hồi sinh và khỏe mạnh. Và tôi cũng có tiềm năng được sống cùng họ thêm một lần nữa” - bà nói.

Alcor, công ty đang giúp bảo quản thi thể ông Fred, tuyên bố họ là đơn vị đi đầu thế giới trong kỹ thuật đông xác. Công ty cam kết sẽ giúp khách hàng được đông xác vô thời hạn, cho tới khi họ có thể được hồi sinh trở lại khỏe mạnh nhờ các nghiên cứu y học của tương lai. Alcor nói rằng đến với họ, khách hàng sẽ có cơ hội sống thêm lần nữa, với cái giá rất rẻ, chỉ 220.000 USD.

Theo Alcor, James Bedford là người đầu tiên sử dụng kỹ thuật đông xác vào năm 1967.
Theo Alcor, James Bedford là người đầu tiên sử dụng kỹ thuật đông xác vào năm 1967.

Kể từ khi Linda cùng Fred biết về Alcor hồi năm 1972, bà đã chứng kiến số lượng người tham gia dùng dịch vụ của công ty không ngừng tăng lên. Ngày càng nhiều người muốn được đông xác, muốn có cơ hội được tái sinh sau khi chết. Tới nay đã có hơn 1.300 người đăng ký gửi xác của họ tới cho Alcor thay vì ra nghĩa trang. Khi đến lúc phải chết, Linda cũng sẽ theo chân chồng và những người khác, tham gia vào giấc ngủ đông vĩnh cửu ở Alcor.

Nhìn từ bên ngoài, các cơ sở của Alcor trông không giống như một chốn mà người ta đua nhau tìm tới để có cuộc sống bất tử. Nó không tráng lệ, hào nhoáng mà chỉ là một tòa nhà văn phòng rất bình thường nằm ở Scottsdale, Arizona. Tuy nhiên, đây lại là nơi đang cố thử tìm đáp án cho câu hỏi nằm chính tâm sự tồn tại của nhân loại: Liệu chúng ta có thể đánh lừa cái chết?

Phóng viên Cnet tìm tới Alcor với một băn khoăn trong đầu, rằng điều gì đã khiến người ta từ chối quy luật sinh tử bình thường và lựa chọn một cái kết giống như trong phim khoa học viễn tưởng? Nhưng sau một thời gian ngắn ở Alcor, phóng viên nhận ra rằng những người tin tưởng vào kỹ thuật đông xác không xem đây là cách để đánh lừa cái chết. Họ thậm chí không coi chết là kết thúc tất cả.

“Chết về mặt pháp lý chỉ có nghĩa rằng tim và phổi của bạn đã ngừng hoạt động, nếu như không có sự can thiệp từ bên ngoài” - Linda nói. “Nó không có nghĩa tế bào của bạn đã chết. Nó thậm chí không có nghĩa nội tạng của bạn đã chết”.

Luận điểm này khiến Alcor thích gọi những người được đông xác trong cơ sở của công ty là “bệnh nhân”. Công ty không coi khách hàng của họ là những người đã chết. Còn theo quan điểm của Linda, ý tưởng coi sự kết thúc cuộc đời như việc bật hay tắt một công tắc “sinh - tử” đã lỗi thời. Những người chết cách đây 100 năm lẽ ra đã có thể được cứu sống nếu họ ở thời nay, thông qua các thành tựu y học hiện đại, điều mà chúng ta vẫn coi như đương nhiên.

Vậy 100 năm nữa kể từ bây giờ, nhân loại sẽ tiến xa như thế nào trong lĩnh vực y học? Alcor hy vọng rằng thông qua việc nhấn nút “tạm dừng” với cuộc sống của ai đó, họ sẽ được hồi sinh khi y học có sự tiến bộ. “Ước tính lạc quan nhất cho rằng trong vòng từ 50 tới 100 năm nữa, chúng ta sẽ có các công nghệ y học cần thiết để phục hồi các bệnh nhân trở lại trạng thái khỏe mạnh và hoạt động bình thường” - Linda nói.

Tổng Giám đốc điều hành Alcor Max More đồng tình. Trong quan điểm của ông, kỹ thuật đông xác giúp người sắp chết có thêm cơ hội tái sinh. Ông cũng nói rằng, cách nhìn nhận của chúng ta về cái chết, về hoạt động mai táng, đang “cướp mất” tương lai được tái sinh đầy tiềm năng của nhiều người.

“Chúng ta đang giết chết nhiều người có khả năng được bảo quản thân xác” - More nói. “Chúng ta vứt họ xuống đất, khiến họ bị các loài sâu và vi khuẩn ăn thịt, hoặc chúng ta thiêu xác họ. Với tôi, đó là hành động điên rồ, khi mà chúng ta có thể trao cho họ cơ hội thứ hai, nếu họ muốn”.

More nói thêm: “Bạn biết rằng ngoài kia có sự tồn tại của dịch vụ bảo hiểm nhân thọ phải không. Dịch vụ của chúng tôi giống như bảo hiểm chống lại cái chết, nó sẽ có tác dụng khi bạn sắp qua đời. Đây mới thực sự là bảo hiểm nhân thọ. Đây là một kế hoạch đề phòng hoàn chỉnh”.

Alcor hiện chưa vạch ra lộ trình rõ ràng về việc bệnh nhân của công ty sẽ được hồi sinh trở lại trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn ra sao, cũng như công nghệ hồi sinh của tương lai sẽ như thế nào. Trang web của công ty có nói qua loa về công nghệ nano - sử dụng robot cỡ nano để thay thế các nhiễm sắc thể bị hư hại bằng các nhiễm sắc thể mới bình thường và việc thay thế sửa chữa sẽ diễn ra trong mọi tế bào.

Nhưng Alcor không có bất kỳ động thái nào nhằm nghiên cứu công nghệ sửa chữa tế bào. Nói một cách khác, công ty chỉ kinh doanh dịch vụ đông xác nhưng không cung cấp dịch vụ hồi sinh hoặc phục hồi cơ thể người đã khuất. Thực tế thì không một ai đang làm việc ở Alcor chịu trách nhiệm phục hồi để bệnh nhân trở lại cuộc sống. Trách nhiệm này sẽ được trao cho thế hệ sau, và nếu thế hệ sau vẫn chưa có giải pháp, công việc tiếp tục được chuyển cho những thế hệ hậu bối xa hơn. Alcor tin rằng, các nhà khoa học thuộc về một tương lai chưa xác định sẽ có đủ công cụ cần thiết để đảo ngược công việc mà công ty đang thực hiện. Và như thế, công ty chỉ việc bán những lời hứa về cuộc sống bất tử, mà không phải gánh vác trách nhiệm thực hiện những gì mình đã tuyên bố.

Bản thân Linda Chamberlain thừa nhận rằng, tương lai vẫn chưa rõ ràng và chính bà cũng không rõ công nghệ hồi sinh của các lớp hậu bối sẽ mạnh như thế nào. Nhưng bà tin mình hiểu rõ mục tiêu tốt đẹp mà Alcor hướng tới. “Mục tiêu của chúng tôi là có thể đảo ngược được tình trạng tạm ngưng hoạt động hiện nay, giống như điều đã xảy ra trong phim vậy. Chúng tôi muốn cái kết hoàn hảo đó. Hiện chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu, nhưng luôn cố gắng nâng cao kỹ thuật của mình”.

“Bệnh nhân” chuyển tới Alcor được gắn máy trợ tim, trợ thở trước khi được đông xác.
“Bệnh nhân” chuyển tới Alcor được gắn máy trợ tim, trợ thở trước khi được đông xác.

Chưa ai từng hồi sinh

Cho tới nay, các lý thuyết khoa học nằm sau việc đông xác vẫn chưa được chứng minh. Vì thế, quy trình này mang tính thử nghiệm cao. Không một con người nào, đặc biệt là não bộ của họ, từng được hồi sinh từ trạng thái bảo tồn sau khi qua đời.

Alcor nêu một số nghiên cứu về sự hồi sinh của một số loài sâu, hay sự tự phục hồi nội tạng của vài động vật có vú nhỏ, lấy chúng làm cơ sở cho hoạt động đông xác. Công ty cũng thu hút được một số cái tên nổi tiếng sử dụng dịch vụ của họ, như cầu thủ bóng chày Ted Williams. Tuy nhiên, họ thiếu vắng bằng chứng chắc chắn về sự hồi sinh sau quá trình đông xác.

Vì lẽ đó, ngay cả More cũng không đưa ra hứa hẹn gì với khách hàng. Ông thừa nhận, công ty có thể không còn tồn tại nữa, vào thời điểm kỹ thuật y học đủ tiến bộ để hồi sinh cho các khách hàng. “Không có gì đảm bảo cả” - ông nói. “Chúng tôi không hứa sẽ đưa các bạn trở lại vào ngày 27.5.2082, hoặc một ngày nào đó xác định. Chúng tôi không biết rằng liệu giả thuyết của mình (về hồi sinh sau đông xác) có đúng không. Chúng tôi cũng không chắc rằng công ty (Alcor) sống sót đủ lâu. Chúng tôi không thể biết liệu thiên thạch cỡ lớn có đâm trúng Trái đất trong tương lai không. Chẳng có sự đảm bảo nào cả. Nhưng chúng tôi mang tới một cơ hội và nó có vẻ tốt hơn lựa chọn còn lại”. Quan điểm của Alcor rất rõ ràng: Bạn có cơ hội tỉnh lại và hồi sinh cao hơn, so với việc đi thẳng tới lò thiêu xác khi cơ thể ngừng hoạt động.

Nhưng dù không biết cách nào và khi nào có thể hồi sinh khách hàng, Alcor vẫn nắm được một chi tiết quan trọng: Họ phải bảo quản thật tốt các cơ thể và đặc biệt là các bộ não. Thông thường khi một “bệnh nhân” được chuyển tới Alcor, những người này đều được tuyên bố đã chết ở nơi khác. Nhưng ngay khi cái chết được xác nhận từ điểm xuất phát, thi thể sẽ được đặt trong thùng lạnh chứa đá. Theo Linda, môi trường lạnh có vai trò quan trọng vì nó làm chậm lại “tiến trình chết” của cơ thể.

Tắm trong băng chỉ là bước đầu tiên của tiến trình bảo quản. Sau khi được đưa tới Alcor, bệnh nhân sẽ được tiêm thuốc để làm chậm tiến trình trao đổi chất. Tiếp đó, người ta gắn máy trợ thở để bơm oxy vào cơ thể và một thiết bị co bóp ngực nhân tạo sẽ khiến tim đẩy máu đi khắp cơ thể. Việc này nhằm đảm bảo cơ thể “bệnh nhân” chịu ít tổn thương nhất có thể.

Tiếp đó, các kỹ thuật viên sẽ chuẩn bị cơ thể cho hoạt động đông xác. Máu tươi sẽ được rút hết ra ngoài và thay bằng chất chống đông chuyên dụng. Chất chống đông này sẽ được bơm vào mọi mạch máu trong cơ thể “bệnh nhân” nhằm ngăn không cho nó bị đông cứng.

Đông cứng nghe giống như mục tiêu cuối cùng của hoạt động đông xác, nhưng thực ra nó rất có hại. Khoảng 50-60% cơ thể của chúng ta là nước. Nếu số nước này bắt đầu đông lại, chúng sẽ tạo thành vô số tinh thể băng sắc nhọn chọc vỡ nội tạng và các mạch máu trong cơ thể. Nhưng nếu nước trong cơ thể được thay bằng chất chống đông, nội tạng và mạch máu sẽ được bảo vệ tuyệt đối.

Alcor nói rằng, công ty sẽ từ từ giảm nhiệt và cơ thể bệnh nhân dần cứng lại như thủy tinh. Từ đây, họ sẽ được đặt vào một khoang chứa lớn làm bằng thép không gỉ để bảo quản lâu dài. Alcor tuyên bố rằng một cơ thể trải qua quá trình đông xác có thể nằm trong tình trạng được “chăm sóc lâu dài” như thế này suốt nhiều thập kỷ.

Được biết, vài bệnh nhân của Alcor không lựa chọn việc làm đông toàn bộ cơ thể. Thay vì thế, họ chỉ muốn được làm đông phần đầu. Sau khi qua đời, đầu họ sẽ được cắt bỏ khỏi cơ thể, làm đông theo đúng quy trình và đặt trong những chiếc hộp hình vuông đặc biệt. Phí làm đông riêng phần đầu cũng rẻ hơn nhiều so với làm đông cả cơ thể, chỉ 80.000 USD so với 220.000 USD.

Ngoài lý do kinh tế, còn có những lý do thực dụng để việc làm đông phần đầu diễn ra. Sau rốt thì bộ não không chỉ là trung tâm điều khiển hoạt động của cơ thể mà nó còn lưu giữ ý ức dài lâu. Bộ não chính là thứ định hình một con người. Hiện mỗi cái đầu vẫn gắn với một cơ thể riêng biệt, nhưng nhiều khách hàng của Alcor tin rằng trong tương lai khi y học phát triển đủ mạnh, người ta sẽ không cần tới cơ thể nữa.

Có thể các nhà khoa học của tương lai sẽ lấy mã di truyền từ phần đầu và tạo cho họ một cơ thể mới. Hoặc toàn bộ nhận thức và ký ức của họ sẽ được chuyển sang một cơ thể máy, giống như trong phim viễn tưởng. Đây cũng chính là lựa chọn của Linda Chamberlain. Sau khi bà qua đời, sẽ chỉ có phần đầu là được làm đông lạnh.

“Có rất nhiều DNA nằm trong bộ phận đó” - bà nói về cái đầu người. “Người ta có thể trồng một cơ thể mới nhờ DNA của bạn. Đó sẽ là một cơ thể mới, đẹp đẽ, chưa từng lão hóa và không bị hư hại do bệnh tật". Thậm chí, Linda còn lạc quan hơn thế: “Tôi hy vọng mình sẽ không còn một cơ thể sinh học trong tương lai. Cơ thể của tôi sẽ tạo thành từ các robot nano. Khi ấy, tôi sẽ có thể luôn xinh đẹp theo ý muốn, không bao giờ già nữa”.

Thiết bị kẹp đầu của những người chỉ muốn làm đông lạnh phần đầu.
Thiết bị kẹp đầu của những người chỉ muốn làm đông lạnh phần đầu.

Vẫn chỉ là giấc mơ

Có thể nói đó là những mơ ước đẹp đẽ. Hãy thử hình dung rằng 100 năm nữa kể từ thời điểm tiến hành đông xác, bạn được hồi sinh, sống dậy đẹp đẽ như chưa từng già yếu, bệnh tật. Nhưng tương lai này sẽ chỉ diễn ra nếu tiến trình đông xác không làm tổn hại tới bộ não. Não bộ con người là một cơ quan cực kỳ phức tạp và việc chứa nó trong điều kiện nhiệt độ âm suốt nhiều thập kỷ có thể gây hại nghiêm trọng tới các tế bào.

Nhà khoa học thần kinh Ken Hayworth là một trong những chuyên gia rất nghi ngờ hoạt động đông xác. Hayworth từng không phản đối đông xác - ông đã là thành viên của Alcor, trước khi từ bỏ nó để thành lập Quỹ bảo tồn não bộ, với mục tiêu tạo ra sự đối thoại giữa các công ty đông xác và cộng đồng khoa học. Ông muốn việc bảo quản não bộ con người là một lĩnh vực nghiên cứu nhận được sự quan tâm nghiêm túc.

“Chúng tôi đã thách thức các nhà đông xác, yêu cầu họ chứng minh rằng ít nhất có thể bảo tồn nguyên trạng các cấu trúc phụ trách việc ghi nhớ lâu dài trong não bộ. Tuy nhiên, cộng đồng đông xác đã không đạt nổi các yêu cầu nằm ở mức tối thiểu” - ông cho biết. Hayworth đã xem xét nhiều mẫu não động vật sử dụng cùng kỹ thuật mà các công ty đông xác vẫn quảng cáo lâu nay. Tuy nhiên, những mẫu não này đều cho thấy chúng có rất nhiều tế bào bị chết.

Hayworth có tìm ra một kỹ thuật bảo tồn nguyên trạng bộ não và ông đã trao Giải bảo tồn não bộ cho nó. Nhóm nghiên cứu đứng sau kỹ thuật đoạt giải đã bảo tồn nguyên trạng một bộ não lợn. Tuy nhiên, vẫn có hai nhược điểm tồn tại trong phương thức mang tên “bảo quản lạnh ổn định aldehyde” này. Thứ nhất là người ta sẽ phải bơm chất gluteraldehyde - một loại dung dịch liệm xác - vào trong não bộ. Điều này có nghĩa bộ não sau khi được bảo quản sẽ không bao giờ có thể phục hồi trở lại nguyên trạng. Thứ hai là tiến trình này phải được thực hiện khi động vật còn sống và nó sẽ tử vong sau khi tất cả kết thúc.

“Cách bảo quản đó gần như sẽ đổ keo lên mọi thành phần nằm trong não bộ” - Hayworth giải thích. “Dùng kỹ thuật đó thì người ta coi như chết ngắc. Họ sẽ không thể tái sinh thêm lần nào nữa cả. Lợi thế duy nhất của kỹ thuật đó là nó không phá hủy bất kỳ thông tin gì”.

Giữ lại thông tin có vai trò cực kỳ quan trọng, bởi nó có thể giúp thế hệ tương lai tái tạo tư duy của một con người. Theo Hayworth, hãy quên việc ghép đầu người vào một cơ thể mới. Thay vì thế, người ta sẽ dùng máy móc quét não bộ và tải thông tin thu được lên một không gian mới, như máy tính, qua đó cho phép người đã chết sống tiếp trong một môi trường giả lập.

Với các nhà khoa học khác, tái sinh có thể chỉ là câu chuyện của hàng nghìn năm tới. Ken Miller là một giáo sư Khoa học Thần kinh tại Đại học Columbia ở New York (Mỹ). Ông đã dành cả đời để tìm cách thấu hiểu sự phức tạp của não bộ. “Có người nói rằng bộ não là thứ phức tạp nhất trong vũ trụ” - Miller nói. “Quả thực, câu trả lời đơn giản nhất cho câu hỏi não bộ hoạt động ra sao chính là: Chúng tôi không biết. Chúng tôi biết nhiều điều về hoạt động của các bộ phận trong não bộ, nhưng còn lâu mới biết hết về cả hệ thống”.

Theo Miller, sẽ phải mất hàng nghìn năm để con người có thể thấu hiểu hết về hoạt động của não bộ. Nhưng ngay cả khi ấy, nếu khoa học đủ sức mạnh tái tạo não bộ của một người đã chết, bộ não ấy cũng chưa chắc sẽ tư duy và ra quyết định như khi họ còn sống. “Giống như chuyện xảy ra ở các cặp song sinh vậy, dù có xuất phát điểm giống nhau, họ lại luôn có những trải nghiệm khác nhau và qua đó trở thành hai con người khác nhau hoàn toàn” - Miller giải thích.

Sau rốt thì nếu các nhà khoa học thần kinh hàng đầu thế giới vẫn chưa hiểu hết về não bộ và tâm hồn của con người, liệu chúng ta có thể hy vọng gì khi đặt não mình trong một hộp chứa đông lạnh ở Arizona? Cho dù dịch vụ của các công ty đông xác như Alcor mang đầy màu sắc tương lai, những câu hỏi nằm ở tâm điểm của chúng vẫn cực kỳ cơ bản và quan trọng hơn là đều chưa có câu trả lời rõ ràng, cụ thể.

Tường Linh (Theo Cnet)
TIN LIÊN QUAN

Trung Quốc tạo đột phá về vaccine COVID-19

Song Minh |

Vaccine COVID-19 của Trung Quốc có bước đột phá khi là một trong hai vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch trong thử nghiệm ở người.

Đột phá mới điều trị thành công hội chứng viêm liên quan COVID-19 ở trẻ em

Bảo Châu |

Các bệnh nhi mắc hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến COVID-19 đã hồi phục nhanh chóng sau khi điều trị bằng globulin miễn dịch và steroid.

Đột phá mới trong xét nghiệm COVID-19 siêu nhanh ở Mỹ

Song Minh |

Mỹ vừa cho phép sử dụng bộ xét nghiệm COVID-19 siêu nhanh, phát hiện virus SARS-CoV-2 chỉ sau 2 phút.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu cán bộ không đi lễ hội trong giờ hành chính

PHẠM ĐÔNG |

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

3 lý do khiến VN-Index giảm sốc đầu tuần, nhóm bất động sản sàn la liệt

Đức Mạnh |

Nhóm bất động sản hôm nay diễn biến kém khả quan, kéo VN-Index lùi sâu dưới tham chiếu. Toàn thị trường ghi nhận số mã giảm gấp hơn 3 lần số mã tăng, 75 cổ phiếu bám sàn.

Không khí lạnh gây mưa giảm nhiệt sâu từ đêm nay

AN AN |

Do tác động của không khí lạnh, từ đêm nay 13.2 Bắc Bộ, Thanh Hoá - Nghệ An trời chuyển rét kèm mưa rào và dông.

Vụ sai phạm tại Sở Y tế TP Cần Thơ: Bị hại xin giảm án cho các bị cáo

Anh Tú |

TPHCM - Ngày 13.2, tại phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ, đại diện Sở Y tế Cần Thơ (bị hại của vụ án) đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ trách nhiệm cho bị cáo nguyên là lãnh đạo và chuyên viên.

Đi khám bệnh, chỉ cần mang căn cước công dân

NHẬT HỒ - PHÚC DUY |

Cà Mau - Ngày 13.2, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau cho biết đã hoàn thiện dữ liệu, số hoá để quản lý quá trình tham gia, hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Người dân đi đến các cơ sở y tế chỉ cần trình căn cước công dân là có thể  khám chữa bệnh, không cần đem thẻ BHYT giấy như trước đây.

Trung Quốc tạo đột phá về vaccine COVID-19

Song Minh |

Vaccine COVID-19 của Trung Quốc có bước đột phá khi là một trong hai vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch trong thử nghiệm ở người.

Đột phá mới điều trị thành công hội chứng viêm liên quan COVID-19 ở trẻ em

Bảo Châu |

Các bệnh nhi mắc hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến COVID-19 đã hồi phục nhanh chóng sau khi điều trị bằng globulin miễn dịch và steroid.

Đột phá mới trong xét nghiệm COVID-19 siêu nhanh ở Mỹ

Song Minh |

Mỹ vừa cho phép sử dụng bộ xét nghiệm COVID-19 siêu nhanh, phát hiện virus SARS-CoV-2 chỉ sau 2 phút.