Hồi sinh một dòng sông, đánh thức một thành phố

Hà Hoàng |

Từ Seoul, Singapore cho đến Paris, New York, các kiến ​​trúc sư, các nhà quy hoạch, nhà chức trách và người dân ở nhiều nơi đang nỗ lực để hồi sinh những con sông trong lòng thành phố, cải tạo chúng từ những dòng chảy vô định hay những dòng kênh nước thải hoặc gây ra lũ lụt trở thành cảnh quan du lịch, điểm đến thư giãn lý thú và mang lại giá trị kinh tế lớn cho thành phố.

Seoul, Hàn Quốc - Đề án phục hồi sông Cheonggyecheon

Sông Cheonggyecheon (còn có tên gọi là Suối Thanh Khê), dài 5,8 km chảy qua trung tâm thành phố Seoul, Hàn Quốc. Trước khi trở thành địa điểm tụ tập công cộng lớn của người dân Seul vào năm 2005, Cheonggyecheon từng là một kênh nước thải bị ô nhiễm nặng nên đã bị san lấp để làm đường và một xa lộ trên cao được xây dựng bên trên nó.

Vào tháng 7.2003, ông Lee Myung-bak, khi đó là thị trưởng thành phố Seoul, sau này là Tổng thống Hàn Quốc, đã khởi xướng đề án phục hồi dòng sông. Đây là một đề án đầy tham vọng vì không chỉ phải dỡ bỏ con đường cao tốc trên cao mà còn phải tái sinh một thủy lộ vốn đã bị san lấp từ lâu, nay gần như đã cạn khô, cần phải bơm vào 120.000 tấn nước mỗi ngày.

Mặc dù tốn kém và gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, cuối cùng đề án phục hồi Cheonggyecheon cũng hoàn thành vào tháng 9.2005. Sự phục hồi của sông Cheonggyecheon đã dẫn đến sự hồi sinh của trung tâm Seoul, mở ra tiềm năng cho không gian công cộng xanh, trở thành một thành tựu lớn trong nỗ lực kiến tạo một đô thị xanh, sạch, đẹp.

Đề án cải tạo sông Cheonggyecheo rất thành công của Seoul, Hàn Quốc.
Đề án cải tạo sông Cheonggyecheo rất thành công của Seoul, Hàn Quốc.

Việc cải tạo lại và phát triển mới hơn 11km kênh sông cũng như xây dựng lại hoàn toàn cơ sở hạ tầng xung quanh không chỉ cho phép Seoul tái khám phá những giá trị vốn bị chôn lấp của dòng sông mà còn tái sinh mối liên hệ giữa con người với dòng chảy tưởng như đã chết này. Sự can thiệp đã biến toàn bộ trải nghiệm đô thị thành một trải nghiệm bên sông, thân thiện với người đi bộ với đầy đủ các hoạt động vui chơi, thư giãn, giải trí.

Dự án cũng tạo ra không gian xanh công cộng mới với tổng diện tích 16,3ha. Không gian mới này tổ chức các hoạt động văn hóa và đi bộ, cung cấp môi trường sống cho động vật và thực vật, đồng thời mang lại lợi ích cho môi trường bằng cách hạ nhiệt độ. Một số nguồn thống kê cho biết, con sông đã giúp giảm nhiệt độ Seoul khoảng 2 độ C vào mùa nóng.

Singapore, sông Kallang - Dự án Công viên Bishan

Dự án cải tạo, chuyển đổi dòng sông Kallang xuất phát từ sự cấp thiết cần phải phát triển hệ thống chứa lũ cho dòng sông Kallang cũng như đa dạng hóa chức năng thoát nước của kênh rạch của Singapore. Dự án này là một phần trong chương trình “ABC water” - Active (Tích cực), Beautiful (Đẹp), Clean (Sạch) nhằm tạo ra một công viên công cộng, khu không gian tụ tập cộng đồng, cùng lúc vẫn giữ được chức năng chứa và thoát nước của dòng sông.

Con kênh dài 2,7km đã được gỡ bỏ nhằm tạo ra các khúc chảy tự nhiên của dòng sông cho phép chứa nước lũ đồng thời cho phép người dân có thể tiếp cận con sông khi mực nước thay đổi. Từ phần kênh bị phá bỏ, một ngọn đồi đã được xây lên nhằm cung cấp cho người dân địa điểm ngắm sông. Dự án đã làm thay đổi hoàn toàn mối liên kết giữa con người và dòng sông trong mọi hoạt động, gắn kết các cộng đồng bị tách biệt trước đây thông qua rất nhiều dịch vụ sôi động tại nơi đây.

Paris, Pháp - Đưa thành phố đến sát hai bờ sông Seine

Paris là một trong những thành phố đông dân nhất Châu Âu và thế giới, bờ sông Seine là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và bảo vệ. Bên bờ sông Seine trong những năm 60 của thế kỷ XX là hành lang độc quyền dành riêng cho ôtô. Phải đến tận năm 2001, chính quyền thành phố mới quyết định cho phép người dân Paris tiếp cận tạm thời dòng sông Seine thông qua những hoạt động phát triển bên bờ sông và những người dân sống xung quanh đó.

Người dân thư giãn bên bờ sông Seine, thủ đô Paris, Pháp.
Người dân thư giãn bên bờ sông Seine, thủ đô Paris, Pháp.

Sáng kiến này được gọi là “bãi biển Paris”, bao gồm đóng cửa các làn xe chạy dọc con sông và biến chúng thành những không gian công cộng thiết yếu trong vòng một tháng. Sự thành công của dự án hằng năm đã thúc đẩy phe đối lập và từ năm 2012, thành phố đã đóng cửa phần lớn những tuyến đường cho ôtô trên hai bên bờ sông và xây dựng chúng thành những không gian công cộng vĩnh viễn. Dự án đã giúp thay đổi mối liên kết của người dân Paris khi tới dòng sông và tăng cường giá trị di sản thế giới của thành phố này.

Madrid, Tây Ban Nha - Quy hoạch sông Manzanares

Trước khi hoàn thành dự án vào năm 2011, dòng sông Manzanares của thủ đô Madrid được bao phủ phía hai bên bờ bằng đường cao tốc. Việc tiếp cận dòng sông này là không thể và những giá trị giải trí của con sông bị chôn vùi, nhường chỗ cho lợi ích đi lại của những chiếc ôtô. Năm 2011, dự án cải tạo trị giá 280 triệu euro đã đưa ra những biện pháp kiên quyết nhằm đưa dòng sông trở lại hòa nhập thành phố.

Dự án quyết tâm gạt bỏ các đường cao tốc, thay vào đó, tạo ra một chuỗi không gian công cộng, công viên và cầu đi bộ nhằm tạo ra một diện mạo mới cho dòng sông và liên kết nó với thành phố. Dự án đã cho thấy sự thành công trong việc tăng chất lượng cuộc sống ở các khu vực xung quanh và trở thành không gian công cộng quy tụ đông đảo người dân thành phố.

Mátxcơva, Nga - Tái sinh bờ sông Mátxcơva

Nhằm cung cấp cho người dân chất lượng sống tốt hơn, thủ đô Mátxcơva của Nga quyết định biến dòng sông thành một không gian công cộng của thành phố. Bước đầu trong việc chuyển đổi được thực hiện với đoạn đường dài 1km. Các bãi đậu xe và tuyến đường giao thông trước đây nay được thay bằng phố đi bộ kết hợp với bàn ghế đô thị, con hẻm là không gian sáng tạo dành cho các họa sĩ, đài phun nước, sân khấu biểu diễn ngoài trời và các khu vực giải trí thay đổi theo từng mùa.

Sông Mátxcơva, Nga.  Ảnh: AFP
Sông Mátxcơva, Nga. Ảnh: AFP

Các bước tiếp theo trong quy trình quy hoạch đưa dòng sông gắn kết với cuộc sống của Mátxcơva được thực hiện khi dự án cải thiện đô thị của Meganom consortium giành chiến thắng trong cuộc thi quốc tế. Dự án này đề xuất phương án biến toàn bộ con sông ở Mátxcơva thành xương sống xanh vì một tương lai bền vững của thủ đô. Ngoài ra, dự án còn bao gồm việc phát triển các không gian công cộng dọc theo dòng sông, phát triển du lịch và kết nối các cảng trong khu vực lân cận.

New York, Mỹ - Đề án cửa sông Hudson

Sông Đông và sông Hudson của thành phố New York từng bị ô nhiễm nghiêm trọng, từ lâu đã bị coi là nơi để vứt rác. Sau khi cải tạo bờ ở tất cả các phía trong hai thập kỷ qua, xây dựng nên các công viên và lối đi ven sông, New York đang tiếp tục quy hoạch lại cửa sông thông qua một số sáng kiến ​​mới. Sáng kiến này bao gồm một hệ thống bảo vệ cảnh quan và hàng rào dài hơn 15km xung quanh Manhattan, tăng gấp đôi không gian công cộng.

Việc thành phố New York cấu trúc lại khu vực xung quanh sông Hudson không chỉ để người dân có thêm không gian công cộng và có thể tiếp cận gần dòng sông mà còn do những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu sau cơn bão Sandy. Đội ngũ thiết kế giành chiến thắng trong cuộc thi quốc tế năm 2014 khi tìm ra giải pháp linh hoạt để bảo vệ New York khỏi những rủi ro ngập lụt gây ra bởi biến đổi khí hậu. Giải pháp của các nhà thiết kế là hợp nhất con sông "linh hồn" của thành phố, tạo ra không gian sinh hoạt công cộng đồng thời cũng là bức tường chống lũ trong tương lai.

Hà Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Biến đổi khí hậu có thể tạo ra những “con sông bay” ở Đông Á

Anh Vũ |

Một nghiên cứu mới dự đoán những ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu tới lượng mưa các khu vực miền núi ở Đông Á trong tương lai.

Phát hiện sửng sốt virus 15.000 tuổi ở sông băng Trung Quốc

Song Minh |

Các nhà khoa học đã tìm thấy virus gần 15.000 năm tuổi trong hai mẫu băng lấy từ Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc.

Đột phá khảo cổ Trung Quốc viết lại nền văn minh sông Dương Tử

Song Minh |

Phát hiện khảo cổ Trung Quốc 8.000 năm tuổi ở Chiết Giang có thể viết lại nền văn minh sông Dương Tử.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Biến đổi khí hậu có thể tạo ra những “con sông bay” ở Đông Á

Anh Vũ |

Một nghiên cứu mới dự đoán những ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu tới lượng mưa các khu vực miền núi ở Đông Á trong tương lai.

Phát hiện sửng sốt virus 15.000 tuổi ở sông băng Trung Quốc

Song Minh |

Các nhà khoa học đã tìm thấy virus gần 15.000 năm tuổi trong hai mẫu băng lấy từ Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc.

Đột phá khảo cổ Trung Quốc viết lại nền văn minh sông Dương Tử

Song Minh |

Phát hiện khảo cổ Trung Quốc 8.000 năm tuổi ở Chiết Giang có thể viết lại nền văn minh sông Dương Tử.