Ngày 21.11, giới chức Ấn Độ đã công bố những hình ảnh đầu tiên về 41 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập hầm đường cao tốc tại bang Uttarakhand. Tất cả đều an toàn, nhưng trông kiệt sức và lo lắng.
“Chúng tôi sẽ đưa các bạn ra ngoài an toàn, đừng lo” - lực lượng cứu hộ nói với những người đàn ông đội mũ bảo hiểm bị mắc kẹt bên trong khi họ tập trung gần camera.
AFP cho hay, các máy xúc đã di chuyển hàng tấn đất, bê tông và gạch vụn khỏi đường hầm đang được xây dựng ở bang Uttarakhand, phía bắc dãy Himalaya kể từ ngày 12.11, sau khi một phần của đường hầm bị sập.
Tuy nhiên, các nỗ lực cứu hộ diễn ra chậm chạp, phức tạp do các mảnh vỡ rơi xuống cũng như sự cố liên tục của các máy khoan hạng nặng quan trọng, khiến lực lượng không quân phải vận chuyển trang thiết bị mới 2 lần bằng máy bay.
Trước khi camera được đưa xuống đường hầm, lực lượng cứu hộ đã liên lạc với công nhân bên trong bằng bộ đàm.
Thủ hiến bang Uttarakhand, ông Pushkar Singh Dhami nói: “Tất cả các công nhân đều hoàn toàn an toàn. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để sớm đưa họ ra ngoài”.

Thủ hiến Dhami cho biết, ông đã nói chuyện với Thủ tướng Narendra Modi về công tác cứu hộ. Thủ tướng Modi chỉ thị, việc đưa các công nhân ra ngoài phải là ưu tiên hàng đầu.
Các kỹ sư đã cố gắng khoan ngang một đoạn ống thép dài khoảng 57 mét bị lấp đầy đất đá sạt lở. Nếu khoan thành công, lực lượng cứu hộ có thể mở một lối thoát đủ lớn cho công nhân bị mắc kẹt.
Nhưng chiếc máy khoan đất khổng lồ đã vấp phải những tảng đá không thể khoan xuyên qua được. Do đó, việc khoan đã bị tạm dừng hôm 17.11.
Các đội cứu hộ hiện đang chuẩn bị hai cách mới để tiếp cận những người mắc kẹt.
Cách thứ nhất là khoan một trục thẳng đứng từ ngọn đồi phía trên xuống độ sâu khoảng 89 mét - một công việc không hề đơn giản.
Cách thứ hai là tiếp cận từ phía xa của đường hầm, một tuyến đường dài hơn 450 mét.

Đường ống được sử dụng để tiếp tế cho những công nhân mắc kẹt đã được mở rộng vào ngày 20.11 và camera được đưa xuống theo đường ống.
Những bữa ăn nóng hổi cũng lần đầu tiên được chuyển xuống qua đường ống mới.
“Chúng tôi đã chuyển 24 chai đựng thức ăn và chuối cho những công nhân bị mắc kẹt” - quan chức địa phương Abhishek Ruhela nói với AFP.
Các chuyên gia đã cảnh báo về tác động của việc xây dựng rộng rãi ở bang Uttarakhand, nơi dễ bị lở đất.
Đường hầm dài 4,5km là một phần trong kế hoạch cơ sở hạ tầng của Thủ tướng Narendra Modi nhằm cắt giảm thời gian di chuyển giữa một số địa điểm nổi tiếng nhất, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận các khu vực chiến lược giáp với Trung Quốc.
Các chuyên gia nước ngoài đã được điều động tới, trong đó có nhà điều tra thảm họa độc lập người Australia Arnold Dix, Chủ tịch Hiệp hội Không gian và Đường hầm Quốc tế.
Ông Dix nói với hãng Press Trust của Ấn Độ, hiện chưa biết chính xác khi nào 41 công nhân mắc kẹt được trở về nhà.