Chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích vào ngày 8.3.2014 ngay sau khi cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur trong một chuyến bay thường lệ đến Bắc Kinh. Chiếc Boeing 777, dưới sự điều khiển của cơ trưởng Zaharie Shah, liên lạc lần cuối với kiểm soát không lưu vào lúc 1h19 sáng khi đang bay trên Biển Đông.
Đã có nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra để giải thích cách máy bay biến mất, nhưng phân tích liên lạc tự động của nó với vệ tinh Inmarsat cho thấy nó có khả năng bị rơi ở nam Ấn Độ Dương.
Tờ Express cho hay, trong cuốn sách mới "The Disappearing Act", nhà báo điều tra tờ Le Monde - bà Florence de Changy - đã trò chuyện với cố vấn chính trị của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad - luật sư Matthias Chang.
Luật sư nói với bà rằng, hai "cuộc tập trận quân sự lớn" diễn ra "tại khu vực MH370 mất tích, ngay trong khoảng thời gian đó". Theo ông Chang, hai cuộc tập trận Cobra Gold và Cope Tiger ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều có sự tham gia của Mỹ.
Cuộc tập trận Cobra Gold được Thái Lan và Mỹ phối hợp tổ chức hàng năm kể từ năm 1982 và có sự tham gia của hàng nghìn quân nhân Mỹ. Cobra Gold bao gồm các cuộc tập trận trên bộ và trên biển, các cuộc đổ bộ bãi biển giả, các cuộc tập trận bắn đạn thật, các nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ, và các cuộc diễn tập viện trợ nhân đạo cho các tình huống thiên tai".
Trong hơn 10 năm qua, cuộc tập trận Thái Lan - Mỹ đã mở rộng bao gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trong khi điều tra viên đặt câu hỏi tại sao các đối tác trong khu vực này không phối hợp để tìm MH370, luật sư Chang được trích lời nói rằng: "Trớ trêu thay, chủ đề của cuộc tập trận Cope Tiger năm 2014 là tìm kiếm và cứu nạn".
Tác giả tiếp tục đặt thêm một số câu hỏi: “Tôi đã thú nhận sự ngạc nhiên của mình với ông Chang. Tôi không biết những cuộc tập trận quân sự quy mô lớn này đã diễn ra hay sắp diễn ra ở Vịnh Thái Lan và Biển Đông. Trong hàng chục cuộc họp báo, không một lần nào đề cập đến các cuộc tập trận này".
Bà de Changy cho rằng, việc rất nhiều tàu thuyền và máy bay của Mỹ, Thái Lan và Singapore đã được định vị trước trong khu vực xảy ra vụ mất tích nên được xem như một món quà trời cho.
“Nhưng với rất nhiều hoạt động quân sự trên biển và trên không đang diễn ra trong khu vực, sự im lặng của các màn hình radar càng đáng kinh ngạc hơn - không chỉ tất cả radar địa phương mà còn tất cả radar của Mỹ trên các tàu Mỹ triển khai trong khu vực tập trận.
Bà de Changgy chỉ ra một lời giải thích khả dĩ cho việc làm thế nào mà máy bay trên có thể biến mất khỏi radar và ngừng phát tín hiệu, đó là tín hiệu của máy bay “mờ dần theo từng giai đoạn”. Theo bà de Changgy, điều này có thể do sự nhiễu sóng, rất có thể một máy bay có hệ thống điều khiển và cảnh báo trên không đã chặn tín hiệu của nó.
Chiến dịch tìm kiếm MH370 tốn kém nhất trong lịch sử hàng không ban đầu tập trung vào Biển Đông và Biển Andaman.
Việc thiếu thông tin chính thức trong những ngày ngay sau khi vụ mất tích đã gây ra những chỉ trích dữ dội.
Một số mảnh vỡ trên biển được xác nhận là từ MH370 dạt vào bờ biển phía tây Ấn Độ Dương trong năm 2015 và 2016.
Cuộc tìm kiếm MH370 đầu tiên kéo dài 3 năm do Australia, Malaysia và Trung Quốc thực hiện đã kết thúc vào tháng 1.2017.
Cuộc tìm kiếm thứ hai do nhà thầu tư nhân Ocean Infinity thực hiện vào tháng 1.2018 cũng đã kết thúc mà không thành công sau 6 tháng.
Kể từ đó đến nay, đã có rất nhiều giả thuyết đặt ra về sự biến mất bí ẩn của MH370, tuy nhiên chưa có giả thuyết nào được chứng minh là xác thực. 7 năm sau ngày định mệnh 8.3.2014, thế giới vẫn chưa biết MH30 đang ở đâu.