Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hôm 12.6 và ký thỏa thuận lịch sử, trong đó khẳng định lại cam kết của Bình Nhưỡng với việc "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".
Một số nhà bình luận và chính trị gia đề nghị trao giải Nobel cho những nỗ lực của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, giải thưởng uy tín này, ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại, vẫn khó thuộc về bộ đôi này. Thời gian và tính cách không ủng hộ cả hai nhà lãnh đạo, các chuyên gia nhận định.
Ông Donald Trump đã gây cú chấn động với ngoại giao quốc tế, trong đó rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, trong khi ông Kim Jong-un cũng vướng một số cáo buộc.
Thêm vào đó, câu hỏi liệu tiến trình của họ có mang lại thành quả không bởi ngoại giao về giải trừ vũ khí luôn có rủi ro, phức tạp và lâu dài.
"Còn quá sớm" - Asle Sveen, sử gia chuyên về giải Nobel, đáp về triển vọng giải thưởng với hai lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên.
Ngay trước hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, nhiều người, trong đó có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói rằng, ông Donald Trump xứng đáng được giải Nobel.
Ông Dan Smith - người đứng đầu Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm SIPRI, cũng nhất trí còn quá sớm để nói về Nobel.
"Thỏa thuận hôm nay là một bước tiến tốt đẹp đầu tiên nhưng hành trình còn dài và phức tạp. Những điều khác Tổng thống Trump đã làm - đáng chú ý nhất là rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris - điều rất quan trọng với an ninh toàn cầu; gây mất ổn định thỏa thuận hạt nhân Iran - điều rất quan trọng với ổn định khu vực Trung Đông - cho thấy sự ít tích cực hơn với hòa bình", ông nói.
Ông Henrik Urdal - người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo (Prio) cho rằng, cả ông Trump và Kim Jong-un đều thể hiện chưa đủ trong năm nay để giành giải.
"Điều gây tổn hại cho cơ hội của ông Trump nhiều nhất là rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Cùng lúc chọn con đường hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, ông ấy đang gây ra xung đột ở Trung Đông và đặt toàn bộ khu vực vào vòng nguy hiểm", ông Urdal nói.
Tiến sĩ Geir Lundestad - thư ký ủy ban Nobel giai đoạn 1990- 2014, ca ngợi hội nghị thượng đỉnh Singapore nhưng hoài nghi về khả năng có giải Nobel ở giai đoạn này.
Tiến sĩ Peter Wallensteen - giáo sư quan hệ quốc tế người Thụy Điển - cho biết, ông Moon Jae-in xứng đáng nếu một giải thưởng được trao cho hòa bình ở bán đảo Triều Tiên. "Ông Moon có lẽ là người xứng đáng nhất, nhưng đó sẽ là cú tát với ông Trump!", ông nói.