Một phân tích của Bloomberg cho thấy, các giám đốc điều hành và cổ đông của một số công ty lớn nhất ở Nga đã bỏ túi số tiền cổ tức tương đương hơn 11 tỉ USD trong năm qua khi nhiều công ty tiếp tục chia cổ tức.
Đứng đầu danh sách là Vagit Alekperov - cựu Chủ tịch Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Lukoil của Nga, người đã từ chức khỏi công ty vào năm 2022 nhưng vẫn tiếp tục là cổ đông. Alekperov ước tính đã nhận được 2,1 tỉ USD tiền cổ tức. Alekperov bị Anh, Australia và New Zealand trừng phạt.
Tiếp theo là các ông trùm khai thác mỏ và thép Alexei Mordashov với 1,68 tỉ USD và Vladimir Lisin với 1,37 tỉ USD.
Một cựu giám đốc điều hành khác của Lukoil, Leonid Fedun, cũng nằm trong số những doanh nhân thu được nhiều cổ tức nhất từ các công ty Nga. Fedun cũng là cổ đông của Lukoil và đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo phân tích dữ liệu công khai của Bloomberg, Leonid Mikhelson - chủ sở hữu của Công ty LNG Novatek và ông trùm Gennady Timchenko - người nắm giữ cổ phần trong công ty khí đốt Nga - cũng đã nhận được cổ tức hào phóng từ cổ phần của họ trong công ty.
Danh sách những người nhận cổ tức lớn nhất năm 2023 còn có bà Tatiana Litvinenko - vợ của học giả và doanh nhân Vladimir Litvinenko - người đã từ bỏ cổ phần tại gã khổng lồ khai thác phốt phát Phosagro trước khi bị Mỹ trừng phạt vào năm ngoái.
Các nhà phân tích cho biết, các tỉ phú Nga muốn lấy tiền dưới dạng cổ tức ngay bây giờ thay vì có nguy cơ mất tiền thuế vào năm tới.
Sau khi tạm dừng chia cổ tức trong bối cảnh bất ổn gia tăng vào năm 2022 do chiến dịch quân sự Ukraina, các công ty Nga đã khôi phục cổ tức vào năm ngoái khi nền kinh tế hoạt động tốt hơn mong đợi.
Việc chia cổ tức cho thấy, nền kinh tế Nga đã thích nghi với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Theo nhà phân tích người Mỹ Michael Hudson, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã phản tác dụng và đưa Nga đến một kỷ nguyên thịnh vượng.
Reuters dẫn dữ liệu của Bộ Tài chính Nga cho hay, số tiền thu được từ việc bán dầu và khí đốt cho ngân sách liên bang của Nga trong nửa đầu năm nay đã tăng khoảng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 65 tỉ USD.
Doanh thu từ dầu khí là nguồn tiền mặt quan trọng nhất đối với Điện Kremlin, chiếm khoảng 1/3 đến 1/2 tổng ngân sách liên bang trong thập kỷ qua.
Nền kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% vào năm 2023 sau khi giảm 1,2% vào năm 2022.
Vào tháng 4 năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2024. Theo dự báo của tổ chức này, GDP của Nga được dự báo sẽ tăng 3,2%, vượt tốc độ tăng dự kiến của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).