Mưa sao băng Nam Delta Aquariids sẽ đạt cực đại cùng với mưa sao băng Alpha Capricornids trong đêm 28.7, theo Hiệp hội Sao băng Mỹ (AMS).
Mưa sao băng Nam Delta Aquariids xuất hiện từ ngày 12.7 đến ngày 23.8 năm nay trong khi mưa sao băng Alpha Capricornids diễn ra từ ngày 3.7 đến ngày 15.8.
Dù 2 trận mưa sao băng đạt cực đại cùng lúc, những người quan sát hiện tượng thiên văn kỳ thú này có thể nhận thấy ánh sáng mặt trăng trong đêm 28.7 tác động tới việc quan sát, EarthSky lưu ý.
Tuy nhiên, cả 2 trận mưa sao băng sẽ kéo dài nhiều tuần sau khi đạt cực đại. Theo AMS, mưa sao băng Nam Delta Aquariids tạo ra tỉ lệ sao băng tốt trong một tuần quanh đêm hoạt động cực đại.
Trong khi đó, mưa sao băng Alpha Capricornids đặc biệt có liên quan đến số lượng các cầu lửa hoặc các thiên thạch đặc biệt sáng trong suốt thời gian hoạt động.
Quan sát mưa sao băng Nam Delta Aquariids và Alpha Capricornids có thể được thực hiện dễ dàng mà không cần bất kỳ thiết bị nào. Dù vậy, Newsweek lưu ý, để quan sát mưa sao băng tốt nhất cần lên kế hoạch và chuẩn bị để có trải nghiệm tuyệt vời hơn.
Hiệp hội Sao băng Mỹ tư vấn những người yêu thiên văn nên tìm hiểu về biểu đồ sao để có thể xác định vị trí trên bầu trời dự kiến bắt đầu mưa sao băng.
Ngoài ra, mưa sao băng thường mờ hơn trong điều kiện thành phố và ngoại ô, nên nếu những người xem mưa sao băng muốn có địa điểm ngắm lý tưởng nhất nên quan sát ở khu vực xa ánh đèn thành phố.
Khi đến địa điểm ngắm mưa sao băng, mọi người nên có thời gian để mắt thích nghi với bóng tối và tránh sử dụng đèn nhiều nhất có thể.
Về mẹo xem mưa sao băng Delta Aquariids, NASA mách người yêu thiên văn rằng địa điểm quan sát tốt nhất ở nam bán cầu và các khu vực vĩ độ nam của bắc bán cầu.
Mưa sao băng Delta Aquariids được đặt tên này vì có điểm phát sáng trong chòm sao Bảo Bình. Điểm phát sáng của mưa sao băng Alpha Capricornornids gần với chòm sao Ma Kết.
Hiệp hội Sao băng Mỹ nói rằng cần kiên nhẫn để quan sát mưa sao băng bởi sẽ có lượng sao băng ổn định trong từng khu vực thay vì mưa sao băng trên diện rộng.
Ví dụ mưa sao băng Nam Delta Aquariids có thể có khoảng 16 sao băng mỗi giờ trong khi Alpha Capricornornids có thể xuất hiện tối đa 5 sao băng.
Mưa sao băng xảy ra khi Trái đất đi qua phần đuôi của một sao chổi: Một khối băng, đá và khí lạnh giá có quỹ đạo quanh mặt trời.
Khi Mặt trời làm sao chổi nóng lên, sao chổi giải phóng một vệt sáng ở phía sau và khi Trái đất đi qua những mảnh vỡ này, một số mảnh sẽ bay nhanh qua bầu khí quyển của Trái đất và bốc cháy tạo ra vệt sáng ngắn trên bầu trời. Dù mưa sao băng dường như đến từ hướng của một số chòm sao nhất định nhưng chúng không thực sự đến từ đó.