Bổ sung 40 tàu chiến mới
Sputnik dẫn lời ông Vladimir Pospelov, thành viên Ủy ban Quân sự - Công nghiệp Nga, thành viên Ban phụ trách về biển trực thuộc Chính phủ Nga - cho biết, trong năm 2021, Hải quân Nga sẽ nhận được khoảng 40 tàu chiến và tàu hỗ trợ thuộc nhiều lớp khác nhau.
Ông Pospelov nêu rõ, trong danh sách này có tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ thứ tư - tuần dương hạm Quận vương Oleg thuộc dự án Borei-A, tàu ngầm đầu tiên trong nhóm đóng hàng loạt thuộc đề án Yasen-M mang tên Novosibirsk.
Ông Pospelov nhắc lại, Hải quân Nga mới đây đã được biên chế một tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm - là tuần dương hạm chỉ huy Kazan có cùng thiết kế với những tàu nói trên.
"Theo kế hoạch, các tàu thuộc lớp khinh hạm và tàu hộ vệ, các tàu ngầm động cơ diesel-điện, cũng như các tàu tên lửa cỡ nhỏ, ca nô tuần tra và tàu hỗ trợ sẽ được bàn giao" - ông Pospelov nói thêm.
Vào cuối tháng 12.2020, Đại tướng Sergei Shoigu - Bộ trưởng Quốc phòng Nga - thông báo, Hải quân Nga trong năm 2021 sẽ được bổ sung thêm 4 tàu ngầm, 6 tàu nổi, 22 tàu và ca nô hỗ trợ.
Chiến hạm Nga mới sẽ được trang bị những vũ khí phòng không nào?
Sputnik cho hay, các kỹ sư thiết kế Nga phát triển phiên bản hải quân của Tor - một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiệu quả nhất bảo vệ tàu mặt nước trước các cuộc tấn công từ trên không. Hầu hết hệ thống phòng không hạm tàu đều là những cải tiến từ vũ phòng không trên bộ.
Bản sửa đổi đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không di động mặt đất Tor - hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết - được thông qua vào năm 1986. Đây là một trong những hệ thống phòng không tầm ngắn hiệu quả nhất, bảo vệ các đối tượng đặc biệt quan trọng (cố định và cơ động), hoặc khi hành quân (di chuyển trong đội hình hành quân hoặc tác chiến cùng lực lượng xe bọc thép khác). Bản mới nhất đảm bảo tiêu diệt gần như 100% mục tiêu máy bay, trực thăng, UAV, tên lửa hành trình, bom có điều khiển.
Tên lửa siêu thanh 9M330 (cơ số 8 quả) với đầu đạn nổ phân mảnh trên cao nặng 15kg, khai hỏa thẳng đứng bằng thuốc phóng, sau đó hướng về phía mục tiêu bằng các vòi phun dẫn hướng phụ. Tor có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tới 12 km, độ cao 10 km, cùng lúc theo dõi vài chục mục tiêu, và lựa chọn đối tượng nguy hiểm nhất.
Tổ hợp liên tục được hiện đại hóa; theo kế hoạch sắp tới sẽ được trang bị ăng-ten mảng phân kỳ, đầu dò thụ động và máy tính tính toán mạnh mẽ hơn. Nhờ đó, trắc thủ có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 90km.
Theo chuyên gia quân sự, Tổng biên tập tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc Viktor Murakhovsky, phiên bản hải quân Tor đã được thử nghiệm thành công.
“Mô-đun chiến đấu hệ thống này có thể được lắp đặt trên boong tàu, tất nhiên, cần phải tích hợp vào hệ thống điêu khiển. Về tính năng, cự ly hoạt động, độ cao, số lượng mục tiêu xử lý, đều giống như phiên bản mặt đất. Tên lửa cũng vậy. Điểm khác biệt là ở vị trí quả đạn và thiết bị định vị. Hơn nữa, dựa vào đó có thể chế tạo phiên bản bố trí trên các tàu dân sự: tàu phá băng hoặc tàu vận tải, nếu cần thiết" - ông Murakhovsky nói.
Tor hải quân sẽ được bố trí cho các tàu từng được trang bị các tổ hợp kiểu như Shtil và trên cả những con tàu mới đóng. Nhưng thời điểm đi vào trang bị đại trà vẫn chưa được nêu ra chính xác. Ưu tiên hiện nay vẫn là các tổ hợp Tor lục quân.