Khi lây lan mạnh, virus có thể phát triển các đột biến, tức là các “lỗi” dẫn đến thay đổi trình tự di truyền ban đầu, làm phát sinh các biến chủng mới. Đây là một hiện tượng rất phổ biến và có thể dự đoán trước của mọi loại virus, bao gồm cả SARS-CoV-2.
Các biến chủng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại thành ba loại: Một là biến chủng đáng lo ngại so với virus ban đầu - loại biến chủng có độc lực mạnh hơn, khó bị phát hiện hơn bởi các xét nghiệm chẩn đoán, khó điều trị hơn và kháng vaccine hơn.
Hai là biến chủng cần giám sát - loại biến chủng chưa xác định được tác động đối với sức khỏe cộng đồng nhưng có thể được tìm thấy trong một số trường hợp lây nhiễm.
Ba là biến chủng trong quá trình đánh giá, ảnh hưởng của biến chủng này đối với sức khỏe cộng đồng vẫn chưa được xác định.
Theo Cơ quan Y tế Cộng cộng Quốc gia Pháp, các biến chủng đáng lo ngại hiện đang lây lan ở Pháp nói riêng và trên toàn thế giới nói chung là các biến chủng của Anh, Nam Phi và Brazil. Các biến chủng Ấn Độ thuộc loại biến chủng cần giám sát.
Thứ nhất, biến chủng Anh (B.1.1.7), được phát hiện vào tháng 12.2020 tại Anh và đã trở thành chủng virus chính tại quốc gia này. B.1.1.7 rất dễ lây lan với khả năng nhiễm tăng lên khoảng 43% đến 90% so với virus ban đầu và nay đã phổ biến ở 139 quốc gia. Các biến chủng của Anh cũng có độc lực mạnh hơn và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn với nguy cơ nhập viện cao hơn (từ 40% đến 64%) và tỷ lệ tử vong cao hơn (từ 30% đến 70%).
Thứ hai, biến chủng Nam Phi (B.1.351), xuất hiện vào cuối năm 2020, đầu tiên ở Nam Phi. Cũng giống như biến chủng Anh, B.1.351 có một đột biến làm tăng khả năng lây nhiễm hơn khoảng 50%, nhưng cũng có thêm một đột biến khác là E484K, nguyên nhân gây hiện tượng kháng vaccine và tái nhiễm. Đây được coi là biến chủng có nhiều nguy cơ kháng vaccine nhất. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã lưu ý: “Trong tất cả các nghiên cứu, hiệu quả của vaccine là thấp nhất với biến chủng B.1.351 của Nam Phi, sau đó là P.1 của Brazil”.
Thứ ba, biến chủng Brazil (P1), được phát hiện vào ngày 2.1.2021 qua xét nghiệm một khách du lịch Nhật Bản trở về từ Brazil. Biến chủng này hiện đã lây lan đến hơn 54 quốc gia. Biến chủng Brazil dễ lây lan hơn (do đột biến ở 501) và kháng vaccine hơn (đột biến E484K) và có thể gây ra các trường hợp tái nhiễm. Tuy nhiên, khả năng kháng vaccine của biến chủng Brazil vẫn thấp hơn so với biến chủng Nam Phi.
Thứ tư, biến chủng Ấn Độ (B.1.617), được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 10.2020. B.1.617 có 15 đột biến, hai trong số đó là phổ biến với các biến chủng khác. Biến chủng này được phân loại trong số các biến chủng cần giám sát nhưng có nhiều điểm tương đồng với các biến chủng đáng lo ngại đã biết, ngay cả khi không xuất hiện đột biến 501.
Cố vấn Khoa học của CNRS cho biết "vẫn đang hy vọng biến chủng mới này sẽ chỉ làm giảm hiệu lực của vaccine”. Tuy nhiên, vẫn chưa thể đưa ra dự đoán cụ thể về khả năng lây nhiễm hay kháng vaccine của biến chủng B.1.617.
Ông Jean-Claude Manuguerra, Giám đốc CIBU (Trung tâm Ứng phó khẩn cấp về sinh học) của Viện Pasteur – Pháp, nhấn mạnh: “Tiêm chủng vẫn là biện pháp cấp bách được ưu tiên hàng đầu. Đây là một cuộc chạy đua với thời gian, phải có càng nhiều người được tiêm ngừa COVID-19 càng tốt trước khi các biến chủng có thể lây lan rộng hoặc các biến chủng mới hơn được tạo ra”. Và rõ ràng là virus càng tồn tại thì càng nhân lên nhiều hơn, điều này làm tăng xác suất nhận được các đột biến có lợi cho virus, làm cho cuộc chiến chống lại virus sau này trở nên phức tạp hơn.