Năm thứ hai liên tiếp, các nước Đông Nam Á nắng nóng gay gắt vào tháng 4, trùng với mùa nóng nhất và khô nhất trong năm ở hầu hết quốc gia trong khu vực. Nhiệt độ đã đạt đến mức độ cực cao ở giai đoạn này, vượt kỷ lục mọi thời đại được thiết lập vào năm 2023.
AFP đưa tin, ngày 28.4, Philippines thông báo tạm dừng các lớp học trực tiếp tại tất cả các trường công lập trong hai ngày sau một ngày nắng nóng kỷ lục ở thủ đô Manila.
Tại Thái Lan - nơi có ít nhất 30 người chết vì sốc nhiệt từ đầu năm đến nay - cơ quan khí tượng đã cảnh báo về điều kiện khắc nghiệt sau khi nhiệt độ ở một tỉnh phía bắc vượt trên 44,1 độ C hôm 27.4.
Và tại Campuchia, Myanmar, Việt Nam, các nhà dự báo thời tiết cảnh báo nhiệt độ có thể vượt quá 40 độ C trong những ngày tới, người dân phải chịu đựng cái nóng thiêu đốt và độ ẩm ngột ngạt.
San Yin, một nhân viên thu ngân 39 tuổi ở Yangon, Myanmar, cho biết: “Tôi không dám ra ngoài vào ban ngày. Tôi lo chúng tôi sẽ bị say nắng”.
Cô cho biết đã cùng chồng và con trai 4 tuổi đến công viên vào ban đêm để trốn cái nóng của căn hộ trên tầng 4.
Myanmar ghi nhận nhiệt độ cao hơn 3-4 độ C so với mức trung bình tháng 4. Ngày 28.4, nhiệt độ ở trung tâm thành phố Mandalay tăng lên 43 độ C.
Bộ Nước và Khí tượng Campuchia cảnh báo nhiệt độ cũng có thể lên tới 43 độ C ở một số vùng trên cả nước trong tuần này, trong khi Bộ Y tế khuyên người dân nên theo dõi sức khỏe của mình “trong thời tiết nắng nóng liên quan đến biến đổi khí hậu”.
Nhiệt độ ở Việt Nam cũng duy trì ở mức cao trong kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5 kéo dài 5 ngày, với nền nhiệt tới 41 độ C ở miền Bắc. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên cả nước sẽ kéo dài đến ngày 30.4. Ngày 1.5, nắng nóng có xu hướng giảm dần do đón đợt không khí lạnh yếu từ lục địa Trung Quốc.
Nhiệt độ toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái và cơ quan thời tiết và khí hậu của Liên Hợp Quốc cho biết châu Á đang nóng lên với tốc độ đặc biệt nhanh chóng.
Nghiên cứu khoa học sâu rộng đã phát hiện ra rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn.
Sự nóng lên ở Đông Nam Á trong năm 2024 một phần là do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino tái diễn: Dòng hải lưu ấm hơn này, bắt nguồn từ tháng 10.2023 ở xích đạo Thái Bình Dương dọc theo bờ biển Peru, ảnh hưởng đến các đại dương trong khu vực trong năm nay, khiến nhiệt độ tăng và thời tiết khô hơn ở Đông Nam Á - nhưng lượng mưa cũng tăng ở Bắc bán cầu.
Nắng nóng năm 2024 không có gì bất thường. Đó là một phần của xu hướng dài hạn: Theo NASA, 10 năm qua là 10 năm ấm nhất được ghi nhận. Tuy nhiên, kỷ lục nắng nóng khốc liệt có thể xảy ra trong mùa hè năm 2024, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).