Nguyên nhân tăng giá
Giá dầu đang tăng đột biến do nguồn cung không theo kịp với nhu cầu toàn cầu đang đạt mức trước đại dịch. Giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 20% trong năm 2022 do các nước sản xuất dầu đang gặp khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu mở rộng. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang phải vật lộn với tình trạng ngừng hoạt động. Nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ không tăng đủ nhanh. Và Nga đã không thể thực hiện đúng cam kết sản xuất của mình. Theo Vitol Group, nhà kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới, những yếu tố trên có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa.
Nhu cầu phục hồi và tác động nhẹ của biến thể Omicron đối với tiêu dùng, cùng với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina và tình trạng đóng băng sâu ở Texas làm gián đoạn một số sản lượng dầu ở bể dầu Permian lớn nhất nước Mỹ, đã đưa dầu thô WTI lên hơn 92 USD/thùng vào cuối tuần trước, trong khi dầu thô Brent leo lên 94 USD trong phiên giao dịch ngày 7.2 - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.
Nhiều tín hiệu tăng giá tiếp tục xuất hiện khi Saudi Arabia tăng giá dầu và Mỹ bất ngờ đóng cửa nhà máy lọc dầu. Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco cho biết đã tăng giá đối với tất cả các loại dầu thô bán cho Châu Á trong tháng 3 từ tháng 2, phù hợp với kỳ vọng của thị trường, phản ánh nhu cầu ổn định ở Châu Á và tỷ suất lợi nhuận cao hơn đối với xăng dầu và nhiên liệu máy bay.
Troy Vincent, nhà phân tích thị trường cấp cao của DTN, nói với Yahoo Finance Live: “Vì nhiều lý do, vẫn còn nhiều khả năng để giá dầu tăng cao hơn trong những tuần tới". Một số chiến lược gia đã dự báo 100 USD cho một thùng dầu, và Vincent đồng tình rằng sẽ rất dễ dàng để giá dầu lên mức này, bởi trong 6 tháng qua, giá dầu thô đã tăng gần 40%. “Chúng ta đang ở trong một tình huống bấp bênh, nhất là khi công suất dự phòng của OPEC sẽ nhỏ hơn nhiều vào thời điểm chúng ta bước vào mùa hè so với những gì chúng ta đã thấy trong nhiều năm" - Vincent nói.
OPEC+ đã đồng ý tiếp tục tăng sản lượng lên 400.000 thùng dầu/ngày vào tháng 3, nhưng một số nhà sản xuất không thể theo kịp nguồn cung của họ chẳng hạn như Angola và Nigeria. Khi bước sang mùa xuân và mùa hè, những thành viên đang sản xuất kém sẽ còn được giám sát kỹ lưỡng hơn nữa. Điều này sẽ càng quan trọng hơn đối với thị trường toàn cầu, cho dù họ có thể mang nguồn cung đó trở lại hay không.
Căng thẳng diễn ra giữa Nga và Ukraina cũng đang gây áp lực lên giá dầu mà theo Vincent có thể tăng hơn 10-15%. "Bất cứ khả năng dự phòng hạn chế nào cho dù là thời tiết như bão, hoặc một sự kiện địa chính trị như một cuộc chiến tranh nóng, các sự kiện khủng bố..., đều tác động ngay lập tức đến giá dầu" - Vincent nói thêm.
Giá dầu sớm vượt mốc 100 USD/thùng
Trong khi đó, theo Mike Muller, Trưởng phòng Vitol Group Châu Á, Trung Quốc có thể tiếp tục bổ sung nguồn dự trữ dầu thô của mình. Giám đốc điều hành của nhà kinh doanh dầu hàng đầu thế giới cho biết, Trung Quốc có thể bắt đầu lấp đầy các kho dự trữ dầu, thậm chí ở mức 90 USD/thùng. “Tôi nghĩ công bằng mà nói, Trung Quốc đang ở mức tối thiểu theo quy định về việc dự trữ bắt buộc đối với các doanh nghiệp nhà nước” - Muller cho hay. Mọi con mắt đều đổ dồn vào những gì diễn ra ở Trung Quốc sau Tết Nguyên đán vì có cảm giác rằng nước này cần dự trữ thêm. Cho đến tận ngày cuối cùng trước Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp nhà nước dường như quan tâm đến việc mua dầu thô ở mức giá này. Hơn nữa, theo giám đốc điều hành của Vitol, Trung Quốc dường như không nhạy cảm với giá dầu cao như các quốc gia Nam Á.
Ole Hansen, Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, nhận định, sự kết hợp của nguồn cung thắt chặt, lạm phát, đồng USD yếu hơn và sự hỗn loạn hiện tại trong cổ phiếu và trái phiếu có thể đã thúc đẩy nhu cầu gia tăng từ các nhà đầu tư, với các nhà quản lý tài sản và nhà đầu cơ tại các quỹ lớn đang tìm kiếm nơi trú ẩn để vượt qua cơn bão giá hiện tại.
Trong một diễn biến sáng sủa, giá dầu giảm nhẹ vào sáng 8.2 trước khi nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran, vốn có thể hồi sinh một thỏa thuận hạt nhân và có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với việc bán dầu của Iran, làm tăng nguồn cung toàn cầu. Dầu Brent giảm 36 cent, tương đương 0,4%, ở mức 92,33 USD/ thùng vào lúc 01h47 GMT. Dầu WTI giảm 26 cent, xuống 91,06 USD/thùng.