Nhóm các nền kinh tế hàng đầu - Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ đang họp trực tiếp tại Anh. Hội nghị thượng đỉnh G7 khai mạc ngày 11.6 là cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên của nhóm kể từ năm 2019 sau khi cuộc họp năm ngoái bị hủy do đại dịch COVID-19.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày được kỳ vọng có cam kết tài trợ 1 tỉ liều vaccine COVID-19 cho các nước nghèo trong năm nay và năm tới.
Trong chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại ngày 11.6, các nhà lãnh đạo G7 dự kiến trao đổi về tình hình Myanmar, Belarus cũng như các vấn đề liên quan đến Nga và Trung Quốc.
Theo AFP, G7 dự kiến hoàn thiện "Tuyên bố Vịnh Carbis" bao gồm loạt cam kết nhằm ngăn chặn tái diễn những hệ quả như virus SARS-CoV-2 gây ra.
"Lần đầu tiên ngày hôm nay các nền dân chủ hàng đầu trên thế giới tập hợp lại với nhau để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng bất ngờ nữa. Điều đó có nghĩa là học hỏi từ những bài học của 18 tháng qua và làm khác đi trong những lần tới" - Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu khi bước vào ngày thứ 2 của hội nghị thượng đỉnh.
Tuyên bố Vịnh Carbis dự kiến công bố ngày 13.6 cùng với thông cáo chung của hội nghị thượng đỉnh G7. Các động thái chung theo tuyên bố bao gồm: Giảm thời gian phát triển và cấp phép vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán cho bất kỳ bệnh nào trong tương lai xuống dưới 100 ngày, đồng thời củng cố mạng lưới giám sát toàn cầu.
Theo chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson, các nhà lãnh đạo sẽ tuyên bố về tăng cường năng lực giải trình tự bộ gene và hỗ trợ các cải cách để củng cố Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các nhà lãnh đạo G7 cũng dự kiến giúp đỡ nhiều hơn cho các quốc gia đang phát triển trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng.