Reuters đưa tin, tập đoàn dầu khí khổng lồ Gazprom đã xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu trong tháng 6 tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trung bình 81,8 triệu mét khối mỗi ngày so với 66,8 triệu mét khối vào tháng 6 năm 2023. Đây là ước tính của Reuters dựa trên báo cáo hàng ngày của Gazprom về vận chuyển khí đốt qua Ukraina và dữ liệu từ tập đoàn truyền tải khí đốt châu Âu Entsog.
Tổng cộng, từ đầu năm đến nay, Gazprom đã xuất khẩu khoảng 15,5 tỉ mét khối khí đốt tự nhiên sang châu Âu.
EU là thị trường nước ngoài lớn nhất và sinh lợi nhất của Gazprom trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào năm 2022. Kể từ đó, châu Âu đã cố gắng chấm dứt nhập khẩu năng lượng của Nga, còn Mátxcơva nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á.
Nga cung cấp 28,3 tỉ mét khối khí đốt cho châu Âu vào năm ngoái và 63,8 tỉ mét khối vào năm 2022. Con số này giảm so với mức 180 tỉ mét khối được bán cho châu Âu trong những năm cao điểm 2018-2019.
Sự sụt giảm lớn trong việc cung cấp khí đốt của Gazprom là do việc xuất khẩu khí đốt qua đường ống dẫn khí của Nga tới gần như tất cả các nước châu Âu đã bị dừng lại. Vài tuần sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.
Sau đó, Gazprom bắt đầu giảm nguồn cung qua đường ống Nord Stream tới Đức vào tháng 6.2022, do không có khả năng bảo trì tuabin khí vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đến tháng 9.2022, đường ống dẫn khí Nord Stream - tuyến đường quan trọng đưa khí đốt Nga sang EU - bị nổ tung và ngừng hoạt động kể từ đó.
Doanh số bán khí đốt của Gazprom sang Trung Quốc đã tăng lên 22,7 tỉ mét khối vào năm ngoái từ mức 15,4 tỉ mét khối trong năm 2022.
Gazprom không công bố số liệu thống kê hàng tháng kể từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, theo Reuters, trong tháng 5, Gazprom xuất khẩu 89,5 triệu mét khối mỗi ngày.
Sự sụt giảm xuất khẩu trong tháng trước được giải thích là do kế hoạch bảo trì từ ngày 6 đến ngày 9.6 tại đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ TurkStream.
Việc cung cấp khí đốt của Nga trong tháng 5 và tháng 6 cao hơn mức thấp của năm ngoái, nhưng không chắc liệu nguồn cung tăng thêm này có kéo dài hay không.
Sự không chắc chắn về nguồn cung khí đốt của Nga đã dẫn đến giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu có lúc tăng vọt trong tháng trước, sau khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Uniper của Đức chấm dứt hợp đồng khí đốt dài hạn với Nga và công ty năng lượng Áo OMV cảnh báo rằng Gazprom có thể ngừng cung cấp khí đốt cho nước này do phán quyết của tòa án nước ngoài.