DW đưa tin, ngày 29.7, Chính phủ Đức cho biết đã "ghi nhận" những bình luận vào cuối tuần của Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga sẽ thay đổi thế trận quân sự nếu Mỹ triển khai thêm nhiều tên lửa hành trình tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân trên đất Đức trong những năm tới.
"Chúng tôi sẽ không để mình bị đe dọa bởi những bình luận như vậy" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Sebastian Fischer phát biểu tại cuộc họp báo ở Berlin.
Phó phát ngôn viên của chính phủ, bà Christiane Hoffmann, cho biết "đã ghi nhận" những bình luận của ông Putin, nhưng cũng nói rằng những thay đổi được đề xuất trong kế hoạch triển khai tên lửa Mỹ sẽ chỉ nhằm mục đích "răn đe" và là điều cần thiết trước những hành động gần đây của Nga.
"Vì Nga đã thay đổi cán cân chiến lược ở châu Âu, đang đe dọa châu Âu và Đức bằng tên lửa hành trình, nên chúng tôi phải thiết lập biện pháp răn đe" - bà Christiane Hoffmann nói.
Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc duyệt binh Hải quân Nga ở St. Petersburg hôm 28.7 rằng nếu Mỹ tiếp tục kế hoạch triển khai thêm vũ khí ở châu Âu - mà về lý thuyết có thể nhắm vào Nga - thì Mátxcơva sẽ xem xét các biện pháp đáp trả tương tự.
"Nếu Mỹ thực hiện các kế hoạch như vậy, chúng tôi sẽ bãi bỏ việc tạm dừng đơn phương trước đây đối với việc triển khai vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn, bao gồm cả việc tăng cường năng lực của các lực lượng ven biển của hải quân chúng tôi" - ông Putin nói, hàm ý nhắc đến các điều khoản của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (NFT) năm 1987 - mà Mỹ và sau đó là Nga đã rút khỏi vào năm 2019. Bên này đổ lỗi cho bên kia vi phạm các điều khoản của hiệp ước.
Nhưng Tổng thống Putin cũng tuyên bố rằng Nga vẫn tuân thủ các điều khoản của NFT kể từ khi rời khỏi thỏa thuận, nhưng sẽ ngừng tuân thủ nếu có thêm vũ khí của Mỹ được triển khai tại Đức.
Ngày 10.7, Mỹ và Đức ra tuyên bố chung cho biết Mỹ sẽ bắt đầu triển khai vũ khí mới ở Đức từ năm 2026. Những vũ khí này sẽ có tầm xa hơn bất kỳ loại vũ khí nào khác đang được triển khai ở châu Âu.