Bloomberg đưa tin, công ty kinh doanh khí đốt SEFE của Đức đã bày tỏ lo ngại về các cuộc tấn công gần đây của Nga nhằm vào cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất châu Âu ở Ukraina với sức chứa 30 tỉ mét khối.
Trong đợt tấn công leo thang mới nhất vào cơ sở hạ tầng năng lượng, tuần trước Nga đã nhắm mục tiêu vào các bể chứa khí đốt ở Ukraina, làm dấy lên mối lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu.
Trong số các cơ sở bị ảnh hưởng có một trong những cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất châu Âu, thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí khổng lồ Ukraina Naftogaz, với sức chứa 30 tỉ mét khối.
Các cuộc tấn công vào các cơ sở lưu trữ khí đốt - vốn rất quan trọng để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ổn định cho châu Âu - đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các thương nhân nước ngoài, bao gồm cả công ty kinh doanh khí đốt tự nhiên thuộc sở hữu nhà nước SEFE của Đức.
SEFE - hay Gazprom Germania trước khi bị Đức quốc hữu hóa - bày tỏ lo ngại về những rủi ro liên quan đến việc nối lại hoạt động bơm vào các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của Ukraina, đặc biệt là sau các cuộc tấn công gần đây.
Frederic Barnaud, giám đốc thương mại của SEFE, cảnh báo với Bloomberg: “Việc tiếp tục bơm vào các cơ sở dưới lòng đất của Ukraina có thể gây ra rủi ro, đặc biệt nếu khí đốt bị mắc kẹt ở đó do mặt trên của kho lưu trữ bị hư hỏng trong các cuộc tấn công”.
Mặc dù mức độ thiệt hại đối với các cơ sở lưu trữ của Naftogaz vẫn chưa rõ ràng nhưng công ty vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào về vấn đề này. Tuy nhiên, tầm quan trọng của những cơ sở này không thể bị đánh giá thấp, khi các thương nhân nước ngoài đã thuê 2,5 tỉ mét khối diện tích kho chứa chỉ riêng trong năm ngoái.
Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraina xảy ra vào thời điểm quan trọng, khi các thương nhân chuẩn bị tiếp tục bơm vào các cơ sở lưu trữ. Khả năng xảy ra các cuộc tấn công tiếp theo làm tăng mối lo ngại về sự an toàn và an ninh của nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu, đặc biệt khi chiến sự Nga - Ukraina dường như chưa có hồi kết.
Một cuộc tấn công thành công vào các cơ sở lưu trữ có thể gây ra một thảm họa môi trường lớn, bên cạnh thiệt hại về người và tàn phá thị trường năng lượng của châu Âu.
Nga hiện là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn thứ hai cho EU sau Mỹ, từng bước chiếm lĩnh thị phần năng lượng quan trọng này.
Thị trường năng lượng đã biến động mạnh trong năm nay, trong bối cảnh lo ngại về khả năng cuộc xung đột giữa Israel với Hamas và đối đầu với Iran leo thang.