Đức đã giải thích lý do tại sao từ chối đề xuất của Ba Lan về việc cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất cho Ukraina.
Đức không có thẩm quyền để tự quyết định - ông Tobias Lindner, quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Đức - cho biết, nói rằng tên lửa Patriot là một phần trong "hệ thống phòng thủ tập thể" của NATO.
Berlin không có tên lửa Patriot để có thể dễ dàng chuyển giao cho bên thứ ba, chẳng hạn như Ukraina. Thay vào đó, Đức đề nghị tăng cường an ninh cho Ba Lan bằng cách gửi các hệ thống phòng không đến biên giới phía đông của NATO.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đã đưa ra ý tưởng gửi trực tiếp các hệ thống tên lửa do Mỹ sản xuất tới miền tây Ukraina vào cuối tháng 11. Bộ trưởng lập luận vào thời điểm đó, động thái này sẽ bảo vệ Ukraina khỏi "mất điện" do các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng của nước này và sẽ "tăng cường an ninh ở biên giới phía đông của NATO".
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht bác bỏ ý tưởng trên, cho rằng Patriot cũng là một phần trong mạng lưới phòng thủ của NATO. Bất kỳ việc sử dụng tên lửa nào bên ngoài khối sẽ cần có các cuộc thảo luận ở cấp độ NATO.
Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Blaszczak bày tỏ thất vọng trước quyết định từ chối của Đức, nhấn mạnh Ba Lan sẽ tuân theo kế hoạch ban đầu và tích hợp Patriot vào hệ thống chỉ huy của mình.
Đức đề nghị tăng cường khả năng phòng thủ của Ba Lan sau khi một tên lửa rơi ở miền đông nước này vào tháng 11, khiến hai người thiệt mạng. Mặc dù các quan chức Ukraina và một số phương tiện truyền thông phương Tây nhanh chóng đổ lỗi vụ việc cho Nga, nhưng Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda sau đó cho biết quả đạn có khả năng được lực lượng phòng không Ukraina phóng đi chệch hướng.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố duy trì đối thoại là cách duy nhất để giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraina.
Thủ tướng Olaf Scholz cho biết ông sẽ tiếp tục đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì ông muốn tìm một giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraina. Điều này sẽ không xảy ra nếu các bên ngừng trao đổi với nhau - RT dẫn lời ông Scholz phát biểu hôm 10.12.
Thủ tướng Scholz khen ngợi khả năng tiếng Đức của Tổng thống Putin và cho biết nhà lãnh đạo Nga luôn giữ thái độ lịch sự trong các cuộc trò chuyện.
Ông Scholz cho rằng lập trường của ông Putin đã thay đổi theo nhiều cách kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cáo buộc Nga muốn "chinh phục một phần lãnh thổ của Ukraina bằng vũ lực".
Bình luận của Thủ tướng Đức được đưa ra chỉ hơn một tuần sau cuộc điện đàm mới nhất với ông Putin vào ngày 2.12. Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về “các khía cạnh khác nhau của tình hình ở Ukraina”, và Tổng thống Nga đã giải thích chi tiết quan điểm của Mátxcơva.
Ông Putin cũng nói về các chính sách “phá hoại” của phương Tây khi tiếp tục bơm đầy vũ khí cho Ukraina. Theo nhà lãnh đạo Nga, điều này cùng với sự hỗ trợ tài chính đã khiến Kiev từ chối ý tưởng đàm phán.
Hồi tháng 10, Thủ tướng Scholz nói với đài phát thanh Deutschlandfunk, các cuộc trò chuyện của ông với nhà lãnh đạo Nga “luôn thân thiện, ngay cả khi hai bên có quan điểm rất khác nhau”, nhưng đồng thời cảnh báo không nên “ảo tưởng” điều này sẽ mang lại kết quả nhanh chóng.
Cùng tháng đó, Thủ tướng Đức bác bỏ các thông tin cho rằng Tổng thống Putin đang đe dọa leo thang xung đột.