Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, vùng áp thấp 99W hoạt động tại khu vực phía giữa và nam Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới vào ngày 13.7.
Theo trang Bão trên Tây Bắc Thái Bình Dương, quan sát trên ảnh mây vệ tinh vào chiều 13.7 cho thấy, hoàn lưu mây có xu hướng xoáy vào tâm rất rõ, với đĩa mây hoàn lưu gần như ôm trọn khu vực giữa và nam Biển Đông.
Dự báo, khi áp thấp nhiệt đới tiến sát về vùng biển Trung Trung Bộ của Việt Nam trong ngày 15.7, không loại trừ khả năng mạnh lên thành bão.
Trong khi đó, bản tin dự báo thời tiết từ Cơ quan Khí tượng Philippines cho hay, áp thấp nhiệt đới hiện cách Metro Manila 930 km về phía tây. Tốc độ gió bề mặt 43 km/h. Áp suất mực nước biển 1001.9mb.
Áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây-tây bắc với vận tốc 7 km/h. Áp thấp nhiệt đới sẽ tăng cường gió mùa tây nam trên khu vực phía Tây Nam Luzon, Visayas và Mindanao.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, vào hồi 7h giờ ngày 14.7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,9 độ vĩ bắc; 112,0 độ kinh đông, trên vùng biển phía nam của quần đảo Hoàng Sa.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49 km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng tây bắc với tốc độ khoảng 10 km/h.
Ngày và đêm 15.7, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9.
Riêng vùng biển phía tây nam khu vực bắc Biển Đông, vùng biển phía tây bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2-4 m; biển động mạnh.
Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao 1.5-2.5 m, biển động.
Tình hình gió mạnh và sóng lớn trên biển còn kéo dài trong những ngày tới.