Nghiên cứu khảo cổ học quốc tế có sự tham gia của các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha, Đức, Nam Phi, Botswana, Anh, giúp tăng thêm hiểu biết và bảo tồn các địa điểm khảo cổ cũng như cải thiện việc phân tích và khảo sát các di chỉ khảo cổ nhờ ứng dụng pXRF (phân tích huỳnh quang tia X di động) với trầm tích do con người tạo ra ở Châu Phi.
Đây là phương pháp nhanh chóng, ít tốn kém, không xâm lấn, giúp tạo thêm dữ liệu khảo cổ từ trầm tích do con người tạo ra bằng cách phân tích các nguyên tố hóa học, kết hợp với thống kê địa lý.
Quy trình này đã được thử nghiệm thành công trên địa điểm khảo cổ có tường bao quanh bằng đá Seoke ở Botswana, miền nam Châu Phi, có niên đại từ thế kỷ 18 sau Công nguyên.
Kết quả của nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí PLOS ONE. Nhóm nghiên cứu do Stefano Biagetti, thành viên nhóm nghiên cứu Động lực học Văn hóa và Xã hội-Sinh thái (CaSEs) tại Đại học Pompeu Fabra, Tây Ban Nha, dẫn dắt.
"Quy trình của chúng tôi vượt ra ngoài bằng chứng khảo cổ hữu hình, vì nó cung cấp thông tin về việc sử dụng không gian và xác nhận hoặc làm rõ các chức năng có thể có của các khu vực được phân tích. Nghiên cứu mà chúng tôi thực hiện cũng đã tiết lộ sự tồn tại của các đặc điểm khảo cổ "vô hình" không thể xác định được bằng mắt thường" - nhà nghiên cứu Stefano Biagetti giải thích.
Phân tích pXRF cho kết quả nhanh chóng (không quá 4 phút cho mỗi mẫu), cho phép phân tích các khu vực tương đối rộng lớn trong thời gian ngắn và phòng thí nghiệm thực địa có thể thiết lập dễ dàng để tránh phải vận chuyển một lượng lớn trầm tích.
Tiềm năng của phương pháp mới này nằm ở chỗ, dấu vết của các nguyên tố hóa học đại diện cho việc sử dụng lặp đi lặp lại trong một số lĩnh vực nhất định.
Sau khi phân tích địa điểm khảo cổ Seoke bằng cách sử dụng thiết bị pXRF và kỹ thuật địa thống kê được gọi là "Kriging", các nhà nghiên cứu phát hiện, ví dụ, phốt pho - cho thấy sự hiện diện của vật nuôi; kim loại như crôm, sắt và zirconium phù hợp với giả thuyết về một khu vực được sử dụng làm xưởng hoặc nhà kho nơi các công cụ kim loại có thể đã được sử dụng để tạo hình đồ gốm, cưa gỗ...; silicon chỉ ra một khu vực có thể để chế biến và lưu trữ ngũ cốc.
Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh, quy trình tiên phong trong sử dụng các kỹ thuật không xâm lấn này có thể cho phép những khả năng chưa từng có trong việc tìm hiểu các địa điểm khảo cổ Châu Phi mà không làm ảnh hưởng đến di sản văn hóa vì các hoạt động khai quật mới.