Theo Worldometers, tính đến 9h44 sáng 8.8 (giờ Hà Nội), thế giới đã ghi nhận 19.542.626 ca mắc COVID-19, trong đó 724.075 người tử vong và 12.544.638 được chữa khỏi.
Người Mỹ đang di chuyển nhiều như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát
Người dân ở nước Mỹ đang di chuyển nhiều như trước khi đại dịch bắt đầu, Tiến sĩ Christopher Murray, Giám đốc Viện đo lường và đánh giá sức khỏe tại Đại học Washington - nơi đưa ra các dự báo thường xuyên về đại dịch COVID-19 cho biết điều này là không tốt trong việc chống dịch.
"Nhiều chuyển động hơn dự báo sẽ tăng nguy cơ lây lan virus. Khi nhìn vào dữ liệu di động được thu thập từ điện thoại di động ở nhiều nơi trên nước Mỹ, chúng ta gần như đã quay trở lại mức độ di chuyển như lúc COVID-19 chưa bùng phát", CNN dẫn lời Tiến sĩ Murray nói.
Ông cũng cho biết, khi các trường hợp bắt đầu giảm xuống, người dân có xu hướng tương tác nhiều hơn. “Quan điểm của chúng tôi về vấn đề này là nên có 1 quy định chung về đeo khẩu trang ở Mỹ, điều đó sẽ đi kèm với một số hình phạt vì chúng tôi cho rằng các hình phạt thực sự cải thiện việc đeo khẩu trang hơn là coi đó như nhiệm vụ", ông nhận định.
Mô hình tính toán cho thấy, nếu 95% người dân ở Mỹ đeo khẩu trang, số người tử vong có thể giảm xuống còn khoảng 228.271 ca, cứu sống hơn 66.000 người. Tính đến sáng 8.8, Mỹ vẫn là nước ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19 trên thế giới, với hơn 5 triệu ca mắc, trong đó 164.094 người tử vong.
Số người chết vì COVID-19 tại Mỹ Latinh cao nhất thế giới
Vượt qua Châu Âu, Mỹ Latinh đã trở thành khu vực có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới. Theo AFP, với 213.120 người thiệt mạng, số tử vong tại Mỹ Latinh đã nhiều hơn 460 người so với Châu Âu - nơi từng là tâm dịch thế giới trong đợt bùng phát hồi tháng 3.
Bên cạnh đó, Mỹ Latinh cũng là khu vực đang có số ca mắc COVID-19 cao hàng đầu thế giới, với hơn 5,3 triệu ca, trong khi số tử vong tiếp tục tăng. Chỉ riêng tuần trước, 44% ca tử vong trên toàn cầu vì COVID-19 là tại Mỹ Latinh, với 18.300 trong số 41.500.
Brazil là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực, với gần 3 triệu ca mắc và 99.702 người chết. Vaccine COVID-19 do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển đang được thử nghiệm trên các tình nguyện viên người Brazil và được chính phủ Brazil đánh giá là loại có triển vọng nhất trong cuộc đua vaccine trên thế giới.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro mới đây đã ban hành một sắc lệnh dành khoảng 356 triệu USD mua 100 triệu liều ban đầu của loại vaccine này và đầu tư vào sản xuất ở Brazil.
Pfizer ký thỏa thuận sản xuất thuốc điều trị COVID-19 cho Gilead
Theo Reuters, Công ty Pfizer (Mỹ) ngày 7.8 tuyên bố đã ký một thỏa thuận kéo dài nhiều năm để sản xuất thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 cho Công ty dược Gilead, trong bối cảnh áp lực ngày càng thắt chặt đối với việc tăng nguồn cung cấp thuốc.
Remdesivir là loại thuốc đã chứng minh được khả năng giúp điều trị bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong các thử nghiệm lâm sàng chính thức. Gilead đang đặt mục tiêu sản xuất đủ thuốc vào cuối năm nay để điều trị hơn 2 triệu bệnh nhân COVID-19 và đã thỏa thuận gửi gần như tất cả nguồn cung cấp Remdesivir cho Mỹ tới hết tháng 9.
Gilead cho biết mạng lưới sản xuất thuốc của công ty đã phát triển tới hơn 40 công ty ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á để tăng cường năng lực, trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt Remdesivir diễn ra nhiều nơi trên thế giới ngoài Mỹ.
Trước đó, Pfizer cũng từng giúp các nhà sản xuất thuốc khác sản xuất thành phẩm. Ngoài việc ký thỏa thuận sản xuất thuốc tiềm năng, Pfizer liên kết với BioNTech của Đức cũng đang gấp rút phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19.