Có 4 nghị quyết đều được thông qua với 15 phiếu thuận trong lần bỏ phiếu đầu tiên này, trong đó có Nghị quyết 2518 về An toàn và an ninh của lực lượng gìn giữ hoà bình. Nghị quyết 2518 nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động gìn giữ hòa bình đối với sứ mệnh chung về duy trì hoà bình, an ninh quốc tế; vai trò của lực lượng gìn giữ hòa bình. Nghị quyết cũng đề cập tới những nguy hiểm mà lực lượng gìn giữ hòa bình phải đối mặt và các biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh cho lực lượng gìn giữ hòa bình.
Dựa trên dự thảo nghị quyết được Trung Quốc - nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 3.2020 - xây dựng, Việt Nam đã chủ động đề xuất nội dung bảo đảm an toàn và an ninh cho lực lượng nữ tham gia gìn giữ hòa bình. Nội dung này được nhiều nước ủng hộ và thể hiện tại các đoạn 13 và 19 của Nghị quyết.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cùng các nước tham gia thúc đẩy và xây dựng các nội dung như: Cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình; bảo đảm nguồn lực cho các phái bộ; tăng cường đào tạo, cung cấp trang thiết bị, xây dựng năng lực cho lực lượng gìn giữ hòa bình; thúc đẩy tăng cường gắn kết giữa lực lượng gìn giữ hòa bình với cộng đồng… Đây là Nghị quyết đầu tiên trong lĩnh vực này của Hội đồng Bảo an với 44 nước đồng bảo trợ, trong đó có Việt Nam.
Cũng trong ngày 30.3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành họp kín trực tuyến về tình hình chính trị và nhân đạo tại Syria. Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, hoan nghênh tiến triển nhất định về tình hình an ninh tại Tây Bắc Syria trong thời gian gần đây, kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại và tìm giải pháp chính trị lâu dài cho tình hình Syria. Đại sứ Đặng Đình Quý bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo ở nhiều nơi tại Syria, về khả năng chống đỡ của Syria đối với đại dịch COVID-19, quan tâm về các phương án của Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ tiến trình chính trị trong bối cảnh này.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc hoan nghênh sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác nhân đạo khác cho Syria trong phòng chống đại dịch COVID-19 đồng thời kêu gọi các bên bảo đảm việc vận chuyển thông suốt hàng hoá nhân đạo cho các vùng miền của Syria.
Ngày 30.3, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua các nghị quyết theo hình thức bỏ phiếu qua văn bản. Cơ chế này được các nước thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí trong bối cảnh không thể họp trực tiếp tại trụ sở Liên Hợp Quốc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.