Tân Hoa Xã đưa tin, đập thủy điện Bạch Hạc Than (Baihetan) ở Trung Quốc đã bắt đầu tích nước để chuẩn bị phát điện vào tháng 7.
Bạch Hạc Than là đập thủy điện khổng lồ được xây dựng trên sông Kim Sa, một nhánh của sông Dương Tử ở tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc. Đập là một đập vòm cong cao 277 mét với độ cao đỉnh là 827 mét. Chiều rộng của đập là 72 mét ở chân đế và 13 mét ở đỉnh.
Con đập này gây chú ý không phải ở tầm vóc khổng lồ của nó mà chính là tốc độ triển khai dự án thần tốc khiến không ít chuyên gia phải trầm trồ kinh ngạc, ngay cả khi Trung Quốc là một quốc gia mà việc xây dựng các cơ sở hạ tầng với tốc độ nhanh chóng đã trở thành quy chuẩn.
Bất chấp những khó khăn về mặt kỹ thuật do địa hình xa xôi và hiểm trở, đập Bạch Hạc Than chỉ mất 4 năm để xây dựng, với 8 triệu mét khối bê tông và tiêu tốn tới 170 tỉ nhân dân tệ (tương đương 26,1 tỉ USD).
Nhà máy thủy điện đập Bạch Hạc Than sẽ sử dụng 16 tuabin, với tổng công suất lắp đặt 16 triệu kilowatt, tạo ra hơn 60 tỉ kilowatt giờ điện mỗi năm.
Nhà máy thủy điện mới nhất này của Trung Quốc dự kiến sản xuất nguồn năng lượng gấp 16 lần so với đập Hoover tại Mỹ.
Bạch Hạc Than sẽ trở thành nhà máy thủy điện lớn thứ hai trên thế giới, sau đập Tam Hiệp. Dự án do Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc đảm nhận.
Lô tổ máy phát điện đầu tiên của Bạch Hạc Than sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7.2021 và tất cả tổ máy dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 7.2022.