“Trước đây, tôi luôn tránh ánh nắng mặt trời vì không muốn cháy nắng” - SCMP dẫn lời chị Theresia Rikke Astria (27 tuổi). “Nhưng giờ đây tôi hy vọng điều này làm tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa dịch bệnh".
Bác sĩ Dirga Sakti Rambe ở Bệnh viện OMNI Pulomas cho biết, tắm nắng là một hoạt động tốt để tổng hợp vitamin D, nhưng không trực tiếp ngăn ngừa COVID-19. Tắm nắng khi ánh sáng còn yếu vào mỗi buổi sáng trong vòng 15 phút thực sự tốt cho cơ thể.
Ngoài ra, vitamin D còn có trong cá, trứng và sữa giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, tuy nhiên, bác sĩ Dirga nhấn mạnh: “Tắm nắng không tiêu diệt được virus SARS-CoV-2”.
Với việc đổ xô đi tắm nắng, Chính phủ Indonesia cảnh báo người dân có thể mắc bệnh ung thư da và kêu gọi họ nên thận trọng bảo vệ cơ thể.
Dường như tắm nắng là một điều đáng ngạc nhiên ở quốc gia này, nơi mà các sản phẩm làm trắng da đang được ưa chuộng nhiều hơn và quan niệm làn da trắng hồng gắn liền với tầng lớp quý tộc.
Đa số người dân Indonesia theo đạo Hồi, với phong cách ăn mặc kín đáo, nhưng đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi văn hóa này của họ. Đa số đàn ông từ lính đến thanh niên đều cởi trần đắm mình dưới ánh mặt trời.
Nabillah Ayu (22 tuổi) sống ở ngoại ô thủ đô Jakarta, mới bắt đầu thói quen tắm nắng vào lúc 10h với hy vọng ngăn ngừa COVID-19.
“Ánh nắng mặt trời không thể trực tiếp giết chết SARS-CoV-2, nhưng nó tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp bạn ngăn ngừa dịch bệnh này”, cô gái 22 tuổi bày tỏ quan điểm.
Tại các thành phố lớn, mọi người đang đổ xô, chen chúc đến những con hẻm nhỏ hẹp và đường ray xe lửa để có thể phơi mình đón ánh nắng mặt trời.
“Theo tôi thấy, người dân bắt đầu thường xuyên tắm nắng kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19”, ông Alfian, người sống ở gần đường ray xe lửa tại Tangerang cho biết. “Sau đó, tôi cũng làm điều này và cảm thấy cơ thể sảng khoái hơn”.
Thậm chí, ông Wadianto (65 tuổi) đang mắc bệnh tim mạch và tiểu đường còn có suy nghĩ rằng tắm nắng giúp ông tổng hợp vitamin D nên không cần dùng bất cứ loại thuốc nào khác để chữa các căn bệnh hiện có.