Pháp sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp về COVID-19 trong 2 tháng tới
Chính phủ Pháp kéo dài tình trạng khẩn cấp về COVID-19 trong 2 tháng tới với một loạt các biện pháp sẽ được đề xuất trước Quốc hội vào ngày 5.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Olivier Véran cho biết hôm 3.5.
Tình trạng khẩn cấp dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 24.7.
Bộ trưởng Y tế Véran cho biết, việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sớm hơn sẽ "lãng phí những nỗ lực to lớn của người dân Pháp".
"Những nỗ lực mà chúng ta đã thực hiện… sẽ "đổ xuống sông xuống biển" nếu chúng ta nới lỏng tình trạng khẩn cấp vào đêm ngày 11.5"- CNN dẫn lời Bộ trưởng.
Các biện pháp được đề xuất bao gồm hạn chế đi lại và sẽ tiến hành kiểm dịch đối với những người đến nước Pháp từ “vùng Corsica và các khu vực nước ngoài khác”.
“Mục tiêu của chính phủ là không ngăn cản người dân Pháp đi du lịch mà là ngăn chặn sự lây lan của COVID-19”, Bộ trưởng Nội vụ, ông Oliverhe Castaner khẳng định. Ngoài ra, ông cho biết thêm sẽ không có giới hạn giữa các quận của Pháp trong đề xuất.
Pháp hiện có 168.396 ca mắc COVID-19, cao thứ 4 về số ca nhiễm ở Châu Âu.
Các trường cấp 1 ở Anh mở cửa trở lại vào 1.6
Tờ Telegraph đưa tin, Chính phủ Anh thông báo, các trường cấp 1 ở Anh và xứ Wales được phép mở cửa trở lại vào ngày 1.6 theo kế hoạch mà Thủ tướng Boris Johnson đang thảo luận. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đang xây dựng kế hoạch nới lỏng phong tỏa.
Theo tờ Sunday Times, chính phủ sẽ điều chỉnh lại một vài quy định phong tỏa như khuyến khích một số tòa nhà mở cửa trở lại, nới lỏng các quy tắc đối với hoạt động ngoài trời và kêu gọi mọi người đeo khẩu trang khi tham gia phương tiện công cộng.
Thủ tướng dự kiến sẽ trình bày bản kế hoạch để thoát khỏi việc phong tỏa vào tuần tới, hướng tới việc mở cửa lại nền kinh tế mà không gia tăng số ca mắc COVID-19.
Tính đến 6h30 sáng ngày 3.5, Anh có 182.260 ca nhiễm virus, với 28.131 ca tử vong.
Châu Âu cam kết ủng hộ tìm ra vaccine và phương pháp điều trị COVID-19
Các nhà lãnh đạo Châu Âu đã cam kết quyên góp 6,6 tỉ bảng Anh để giúp tìm ra vaccine và phương pháp điều trị COVID-19, chống lại dịch bệnh.
Các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức, Italia và Na Uy và các quan chức cấp cao của EU đã đề cập đến những hậu quả mà dịch bệnh gây ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới.
“Điều này đặt ra một thách thức đối với toàn cầu. Chúng ta bắt buộc phải tạo cho mình cơ hội tốt nhất để đánh bại dịch bệnh. Điều này đồng nghĩa với việc tập hợp những người giỏi nhất thế giới, tìm ra vaccine ngừa COVID-19 và phương pháp điều trị, đồng thời củng cố hệ thống y tế, đặc biệt là Châu Phi” - tờ Independent dẫn lời các nhà lãnh đạo chia sẻ.
Các chính trị gia đã tuyên bố hỗ trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ủng hộ chương trình mới có tên gọi "Access to COVID-19 Tools Accelerator" của WHO phối hợp thực hiện với hàng chục quốc gia, tổ chức phi chính phủ và các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của Quỹ Bill và Melinda Gates và Wellcome Trust. Quỹ tài trợ sẽ được chuyển đến các tổ chức y tế như CEPI, Gavi, Liên minh vaccine,...
Khoảng 50% nhân viên tại một nhà máy chế biến thực phẩm ở Mỹ dương tính với SARS-CoV-2
Khoảng một nửa nhân viên tại nhà máy chế biến thịt lợn Tyson ở Logansport, bang Indiana, Mỹ có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Người phát ngôn nhà máy cho biết, khoảng 1.900 nhân viên nhà máy đã được tiến hành kiểm dịch. Được biết, nhà máy sẽ mở cửa trở lại vào tuần tới.
“Chúng tôi đã tiến hành thêm các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo nhân viên khi quay lại làm việc được an toàn và tiếp tục hỗ trợ họ trong đại dịch COVID-19” - CNN dẫn lời Phó Chủ tịch cấp cao Todd Neff.
Trước đó, Tổng thống Trump ban sắc lệnh các cơ sở chế biến thịt vẫn được mở cửa hoạt động giữa đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các nhà máy trên khắp đất nước đang cố gắng cân bằng giữa việc giữ an toàn cho công nhân và việc duy trì hoạt động.
Mỹ hiện vẫn đang là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus, với hơn 1.158.881 ca.