Theo số liệu từ Worldometers, tính đến 8h40 sáng 5.8 (giờ Hà Nội), thế giới đã ghi nhận 18.697.917 ca mắc COVID-19, trong đó 704.232 người tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch, với gần 5 triệu ca.
Brazil tìm kiếm phương án thay thế vaccine COVID-19 do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển
Brazil đang tìm kiếm sự thay thế với các nhà sản xuất khác phòng trường hợp việc phát triển và cung cấp vaccine COVID-19 từ Đại học Oxford và AstraZeneca còn kéo dài, CNN dẫn tin từ tuyên bố của quan chức Bộ Y tế Brazil Élcio Franco cho hay.
"Bởi vì đó là sản phẩm dựa trên công nghệ chưa được chứng minh nên có mức độ không chắc chắn. Chúng tôi có chút mơ hồ và lo ngại khả năng phát triển vaccine sẽ kéo dài. Dù đang trong giai đoạn có kết quả hứa hẹn nhất, chúng tôi đã tìm kiếm các lựa chọn thay thế", ông Franco nói.
Trước đó, Bộ Y tế Brazil đã đạt được thỏa thuận với Anh về việc sở hữu công nghệ để sản xuất vaccine ngừa COVID-19, đang được trường Đại học Oxford và Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca của Anh phát triển. Nếu vaccine thử nghiệm thành công, Brazil sẽ có 100 triệu liều cho người dân.
Quyền Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello đã xác nhận các cuộc đàm phán với Công ty công nghệ sinh học Moderna về việc có thể ưu tiên mua vaccine của công ty này. Brazil đang là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ 2 trên thế giới, với hơn 2,8 triệu ca mắc và 96.096 người tử vong.
WHO kêu gọi Nga tuân thủ hướng dẫn về vaccine
WHO mới đây đã lên tiếng kêu gọi Nga tuân theo các hướng dẫn đã được thiết lập để sản xuất vaccine COVID-19 an toàn, hiệu quả, sau khi Mátxcơva công bố kế hoạch bắt đầu nhanh chóng sản xuất. Tổ chức này nhấn mạnh tất cả ứng viên vaccine cần trải qua các giai đoạn thử nghiệm đầy đủ trước khi được triển khai.
"Có những thực tiễn đã được thiết lập và có những hướng dẫn. Bất kỳ loại vaccine hay thuốc nào đều phải trải qua tất cả các thử nghiệm khác nhau trước khi được cấp phép cho triển khai. Việc các nhà nghiên cứu tuyên bố tìm ra điều gì đó đương nhiên là tin tức tuyệt vời. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa việc phát hiện hoặc tìm thấy manh mối về một loại vaccine có thể mang lại hiệu quả, và việc trải qua các giai đoạn thử nghiệm", CNA dẫn lời phát ngôn viên của WHO Christian Lindmeier trả lời trước báo giới khi được hỏi về sự phát triển vaccine COVID-19 của Nga.
Phát ngôn viên Lindmeier cũng cho biết, WHO chưa nhận được thông báo chính thức về bất kỳ loại vaccine nào của Nga sản xuất trước thềm triển khai. Lời kêu gọi của WHO được đưa ra sau khi Nga tuyên bố mục tiêu khởi động sản xuất hàng loạt vaccine COVID-19 vào tháng 9 với khả năng vài triệu liều mỗi tháng.
Ứng viên triển vọng nhất là vaccine do Viện Gamaleya ở Mátxcơva thử nghiệm đã đạt đến giai đoạn phát triển tiên tiến và sắp được nhà nước thông qua.
Philippines có khả năng trở thành tâm dịch COVID-19 mới tại Đông Nam Á
Theo Straits Times, Philippines có thể sớm trở thành tâm dịch mới tại Đông Nam Á khi ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm mới trong 24h qua. Theo số liệu từ Bộ Y tế Philippines, nước này ghi nhận thêm 6.352 ca trong 24h qua, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 112.593 người.
Trong khi đó, số ca nhiễm tại Indonesia - nước hiện có số ca mắc COVID-19 cao nhất Đông Nam Á - đang ở mức 115.056. Các số liệu so sánh cho thấy Philippines có thể sẽ sớm thay thế vị trí của Indonesia.
Mức tăng kỷ lục được ghi nhận trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 2.8 đã phê chuẩn lệnh tái phong tỏa nghiêm ngặt hơn ở khu vực vùng thủ đô Manila với khoảng 12 triệu dân trong khoảng từ 4-18.8. Lệnh này cũng áp dụng tại 4 tỉnh đông dân khác gồm Bulacan, Rizal, Laguna và Cavite.
Người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, Harry Roque, cho biết chính phủ không mong muốn việc kéo dài phong tỏa quá 2 tuần. "Tôi phải thành thật. Nền kinh tế của chúng ta không thể chống chọi được nếu phong tỏa lâu dài", ông Harry phát biểu trước báo giới hôm 4.8.