Công nghệ sinh trắc học không còn xa lạ
Công nghệ sinh trắc học là dạng công nghệ sử dụng những đặc điểm sinh trắc của bạn như mắt, vân tay hay khuôn mặt. Ví dụ đơn giản như vân tay Iphone cho phép bạn sử dụng Apple Pay hay mở khóa điện thoại mà không cần mật khẩu. Tại các sân bay trên thế giới, công nghệ này cũng đã không còn mới lạ.
Raoul Cooper, giám đốc thiết kế kỹ thuật số cao cấp của hãng hàng không Bristish Airway, trả lời phỏng vấn của CNN rằng tại các chuyến bay nội địa xuất phát từ sân bay Heathrow, London công nghệ nhận diện khuôn mặt đã được sử dụng với các hành khách gần một thập kỉ nay.
Cooper cũng giải thích cách công nghệ nhận diện khuôn mặt vận hành tại Heathrow. Khi một hành khách đến sân bay và đi qua trạm kiểm sát an ninh đầu tiên, sẽ có một camera chụp lại bức ảnh của họ, bức ảnh đó sẽ ngay lập tức được liên kết với vé máy bay của hành khách.
“Camera sẽ quét khuôn mặt của mỗi hành khách, đo đạc thông số và xây dựng cái mà chúng tôi gọi là mẫu sinh trắc học”, Cooper giải thích.
Khi hành khách lên chuyến bay của họ, một camera khác sẽ chụp lại khuôn mặt họ lần thứ hai và đồng bộ bức ảnh này với bức ảnh đầu tiên mà họ đã được chụp ở trạm kiểm soát an ninh đầu tiên.
Nếu hai bức ảnh khớp nhau trong phạm vi chính xác, hành khách có thể qua cửa sân bay và lên chuyến bay của mình. Nếu có “trục trặc” với hệ thống, nhân viên Bristish Airway sẽ chuyển sang kiểm tra giấy tờ cá nhân.
Cooper cũng nhấn mạnh sự tiện lợi của công nghệ nhận diện khuôn mặt chính là tốc độ nhanh chóng.
“Lần nhanh nhất của chúng tôi là 240 hành khách lên máy bay chỉ trong vòng 10 phút và không hề có hình ảnh hàng dài phải chờ đợi”, Cooper tự hào nói.
Cooper khẳng định, hệ thống không hề bắt buộc bất cứ hành khách nào. Nếu hành khách từ chối việc nhận diện khuôn mặt, nhân viên sân bay sẽ kiểm tra vé máy bay và hộ chiếu như thông thường.
An ninh sân bay sẽ thắt chặt hơn bao giờ hết
“Công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ khiến những kẻ khủng bố đang bị truy nã và cả những kẻ trong diện tình nghi không dám đến những địa điểm như sân bay”, chuyên gia an ninh hàng không Jeffrey C.Price chia sẻ về những lợi ích khổng lồ về an ninh khi công nghệ này được áp dụng. Bởi để giả mạo khi liên quan đến nhận dạng khuôn mặt sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Tuy nhiên vẫn có những lỗ hổng an ninh tiềm ẩn đe dọa đến hệ thống. Giáo sư Price chia sẻ điều khiến ông lo lắng nhất chính là việc hệ thống có khả năng bị hack và đánh cắp cơ sở dữ liệu sinh trắc cá nhân của khách hàng.
Mặc dù vậy, chuyên gia an ninh cho rằng điều này không hề đe dọa hay gây ra cản trở cho các ngành hàng không hay sân bay.
Phải chăng đây chính là tương lai của ngành du lịch?
Tại Mỹ, công nghệ nhận diện khuôn mặt được đi vào sử dụng gần 20 năm nay và mới gần đây công nghệ sinh trắc học cũng dần xuất hiện tại các sân bay. Vào năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã kí một nghị định đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công nghệ sinh trắc học tại sân bay cho tất cả các hành khách bao gồm cả trong nước và quốc tế. Đến nay thì công nghệ nhận diện khuôn mặt đã có trên toàn quốc tại đây.
Tại Trung Quốc, công nghệ nhận diện khuôn mặt đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tại Amsterdam và Hong Kong, hãng vận tải Cathay Pacific cũng đang thử nghiệm công nghệ sinh trắc học tại sân bay, trong khi đó sân bay quốc tế Tokyo Narita đang hoàn thiện quy trình “One ID” kiểm tra sinh trắc học khi lên máy bay vào trước mùa xuân 2020. Sân bay quốc tế Rajiv Gandhi của Ấn Độ tại thành phố Hyderabad vừa ra mắt hệ thống nhận diện khuôn mặt trong năm nay.
Sân bay Heathrow tại London cũng đang trải qua một chiến lược có tên gọi “cách mạng sinh trắc học” với số vốn đầu tư lên tới 60 triệu USD.