“Công dân tối cao” - mối đe dọa khủng bố lớn nhất của nước Mỹ

hương giang |

Trong khi nỗ lực chống khủng bố của Mỹ vẫn chỉ tập trung vào các nhóm Hồi giáo cực đoan, đang hình thành một mối đe dọa mới ở ngay trong lòng đất nước này: Những kẻ cực hữu tự gọi mình là “công dân tối cao”.

Một vụ nổ súng giết người chấn động

Ngày 20.5.2010, tại xa lộ liên bang Interstate 40, gần Tây Memphis, Arkansas, Mỹ, một viên cảnh sát ra hiệu lệnh dừng một chiếc xe tải màu trắng chạy tới từ bang Ohio. Viên cảnh sát dừng xe, Bill Evans, không hề biết rằng những người ngồi trong xe gồm có Jerry Kane Jr và đứa con trai tuổi teen Joseph Kane. Cả hai đều tự gọi mình là những “công dân tối cao”: Các thành viên của một phong trào cực đoan có đông thành viên ở Mỹ, không chấp nhận luật pháp địa phương, bang và liên bang.

Jerry Kane giả dạng một nhà truyền giáo để di chuyển dọc theo nước Mỹ và thực hiện các bài giảng về cách trốn thuế, các thủ thuật chống chính quyền. Các cuốn sách với nội dung tôn giáo được để đầy bên trong xe nhằm tránh sự nghi ngờ từ những kẻ tọc mạch và khi Evan kiểm tra biển số xe, kết quả cho thấy nó thuộc về nhà thờ House of God’s Prayer ở Ohio. Có điều Evans không hề biết là trong xe còn có những khẩu súng mà cha con Kame mới mua tại một hội chợ vũ khí ở Nevada cách đó mấy ngày.

Jerry Kane là kẻ đã nhiều lần va vấp với lực lượng cảnh sát. Sau một sự cố xảy ra trước đó một tháng, Kane thề rằng nếu cảnh sát còn làm phiền mình thêm một lần nữa, gã sẽ ăn thua đủ với họ. Và Evans chính là “kẻ làm phiền” tiếp theo đó.

Trung sĩ Brandon Paudert là viên cảnh sát thứ hai tới hiện trường, sau khi thấy rằng Evans dường như mất quá nhiều thời gian chỉ để kiểm tra một chiếc xe. Evans đưa cho Paudert một số giấy tờ nhận dạng mà Jerry Kane xuất trình trước đó, với nội dung được ghi bằng một loại ngôn ngữ bí ẩn, để chuẩn bị khám người anh ta theo quy trình thông thường.

Đột nhiên Jerry Kane xoay người đẩy Evans ngã xuống một rãnh nước nằm cạnh con đường. Cùng lúc, con trai gã từ trong chiếc xe tải bung cửa lao ra, trên tay là một khẩu AK-47 đang nhả đạn. Evans, một sĩ quan cảnh sát dày dạn kinh nghiệm từng là thành viên đội đặc nhiệm SWAT, bị bắn trọng thương ngay trước khi anh kịp rút súng. Paudert trúng đạn không lâu sau đó khi tìm cách bắn lại cha con nhà Kane.

Bỏ mặc hai viên cảnh sát với cơ thể lỗ chỗ vết đạn, đang dần chảy máu đến chết, cha con Kane nhảy trở lại chiếc xe và tẩu thoát. Một tài xế tình cờ đi qua đoạn đường đó đã gọi số 911 khẩn cấp để báo về vụ nổ súng. Cha của Paudert, người là giám đốc cảnh sát Tây Memphis, đang lái xe về nhà cùng vợ khi ông nghe tin báo về việc có một số sĩ quan cảnh sát bị bắn hạ.

Ông vội tới hiện trường, vẫn chỉ nghĩ rằng có lẽ ai đó bị tấn công. Rồi ông nhìn thấy một hình người mặc cảnh phục đang nằm sõng soài dưới đường. Đó là Bill Evans, khẩu súng của anh vẫn nằm yên trong bao đựng. Cha Paudert lại nhìn thấy thêm một thi thể nữa nằm sau những chiếc xe. Một trong những viên cảnh sát có mặt ở hiện trường cố ngăn cản, nhưng ông gạt anh ta ra. Khi vòng qua chiếc xe, ông sững người khi thấy Brandon, với một phần đầu đã bị đạn súng AK thổi bay. Một cánh tay anh duỗi ra, tay kia vẫn nắm chặt lấy khẩu súng ngắn.

Kết quả khám nghiệm pháp y cho thấy Paudert chết tại hiện trường. Anh bị bắn 14 viên đạn vào người. Trong khi đó Evans, người chết tại bệnh viện không lâu sau đó, bị bắn 11 lần. Số lượng lớn các viên đạn cho thấy Joseph Kane tiếp tục xả đạn vào hai viên cảnh sát sau khi họ đã bị thương và ngã xuống đất. Cả Paudert lẫn Evans đều mặc áo giáp, nhưng những viên đạn từ khẩu AK của Joseph Kane vẫn xuyên qua dễ dàng, như dao nóng cắt vào bơ vậy.

Chiếc xe của nhà Kane được phát hiện 90 phút sau đó tại một bãi đậu xe của một siêu thị Walmart. Một vụ nổ súng đã xảy ra giữa cảnh sát và hai cha con Kane. Thêm hai viên cảnh sát nữa bị thương, trước khi cả hai đối tượng này bị giết.

Biến cảnh sát thành mục tiêu triệt hạ

Niềm tin của cha con nhà Kane, được Liên minh chống nhục mạ (ADL) đánh giá là nhận được sự hưởng ứng của hàng chục ngàn người Mỹ, đã đưa họ vào hàng ngũ các thành viên của phong trào “Ái quốc”. Tham gia phong trào này có rất nhiều nhóm cực hữu hình thành trong nước Mỹ, với niềm tin rằng chính quyền đang ngày càng trở thành một lực lượng độc đoán, chuyên chế, chuyên đàn áp dân lành - và họ phải đứng lên chống lại nó.

Trong khi báo chí loan tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có kế hoạch tái tổ chức Chương trình chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực (CVE) của Bộ An ninh Nội địa nhằm tập trung hơn nữa vào việc chống tư tưởng Hồi giáo cực đoan, một cuộc điều tra tiến hành hồi năm 2014 trên 175 cơ quan hành pháp ở Mỹ đã cho thấy các “công dân tối cao” mới là mối đe dọa khủng bố lớn nhất. Đứng thứ hai trong danh sách là các phần tử Hồi giáo cực đoan và ngay sau đó là ba mối đe dọa khác có nguồn gốc từ nội địa Mỹ: Phong trào thành lập các nhóm dân sự được vũ trang tốt như quân đội, lực lượng đầu trọc phân biệt chủng tộc và phong trào phát xít mới.

Năm 2009, Daryl Johnson, một nhà phân tích tình báo có tên tuổi ở Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu đầy đủ về chủ nghĩa cực đoan cho Bộ An ninh nội địa. Johnson ra báo cáo dự báo về sự trỗi dậy của cái mà ông gọi là “chủ nghĩa cực đoan cánh hữu” - một tập hợp những kẻ mang tư tưởng thù hận chính quyền - coi đây là nhóm đặc biệt nguy hiểm.

Khỏi phải nói những người thuộc phe Cộng hòa đã tức giận như thế nào trước bản báo cáo. Họ nói rằng nó chứa động cơ chính trị, khi xếp những nhóm hoạt động mang tư tưởng bảo thủ với khủng bố. Họ đặc biệt phẫn nộ với dự đoán của bản báo cáo, rằng các cựu chiến binh Iraq và Afghanistan sẽ dễ bị các nhóm cực đoan tuyển mộ, sử dụng.

Johnson bảo vệ bản báo cáo, nói rằng đây là một nghiên cứu khoa học nghiêm túc, phi chính trị. Là một thành viên đảng Cộng hòa, ông cảm thấy rất kinh ngạc khi bị quy kết là đã tạo ra một sản phẩm chống lại những người mang tư tưởng bảo thủ. Nhưng Bộ trưởng An ninh Nội địa khi đó, Janet Napolitano, đã không chịu nổi áp lực chính trị nên quyết định bác bỏ các kết quả mà nghiên cứu của Johnson tìm thấy và giải tán đội của ông.

8 năm sau, dường như mọi chuyện đã diễn ra theo đúng những gì Johnson từng dự báo. Năm 2010, thời điểm ông thôi không làm việc cho chính quyền nữa, một vụ tấn công tự sát đã diễn ra tại tòa nhà của Cơ quan thuế vụ liên bang ở Austin, Texas. Sau đó là một loạt vụ tấn công khác, gồm vụ nổ súng vào đền thờ của người Sikh tại Wisconsin vào năm 2012 và vụ thảm sát tại nhà thờ Emanuel AME của người da đen ở Charleston hồi năm 2015, khiến 9 người thiệt mạng.

Theo dữ liệu từ ADL, kể từ năm 2001 đã có ít nhất 45 sĩ quan cảnh sát bị giết bởi những kẻ lây nhiễm tư tưởng cực đoan từ Mỹ. Trong số này, 10 người mất mạng vì những kẻ cực đoan cánh tả, 34 người chết vì cực đoan cánh hữu và chỉ có một người chết vì thủ phạm mang tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Năm 2009, một gã đàn ông với tư tưởng đề cao người da trắng, chống chính quyền đã nổ súng bắn 5 sĩ quan cảnh sát ở Pittsburgh, làm ba người bỏ mạng. Năm 2012, một kẻ tự nhận mình là “công dân tối cao” đã nổ súng bắn 4 viên cảnh sát, khiến hai người thiệt mạng tại Louisiana. Năm 2014, hai viên cảnh sát đã bị một cặp vợ chồng chịu ảnh hưởng từ phong trào Ái quốc bắn chết lúc họ đang ăn bữa trưa. Cặp vợ chồng này đã bị tiêu diệt khi chúng đang chuẩn bị tới một tòa án để giết thêm các công chức nhà nước.

Cùng năm đó, Eric Frein - một kẻ mang tư tưởng cực hữu chống chính quyền, đã phục kích tại đồn cảnh sát ở bang Pennsylvania, giết chết một viên cảnh sát và khiến người khác bị thương. Gần đây nhất, vào năm 2016, một “công dân tối cao” là cựu chiến binh từng tham gia lực lượng lính thủy đánh bộ đã nổ súng bắn chết ba viên cảnh sát ở Baton Rouge và bắn bị thương thêm ba người nữa trước khi bị tiêu diệt. Đoạn video ghi cảnh gã sát thủ di chuyển chiến thuật, áp sát rồi bình thản nổ súng về phía các nạn nhân, những người chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho dân Mỹ, đã khiến dư luận không khỏi bị sốc.

Phản ứng tương tự cũng xuất hiện trong vụ Micah Xavier Johnson, một tay súng có tư tưởng thù ghét nhà chức trách, ra tay bắn chết 5 viên cảnh sát ở Dallas trong cùng năm 2016. Trong đoạn video ghi lại vụ việc được tung lên YouTube, Johnson đã thể hiện kỹ thuật nổ súng đánh lạc hướng trước khi di chuyển nhanh và lạnh lùng kết thúc mạng sống của một viên cảnh sát.

Mối đe dọa khủng bố lớn nhất

Johnson và các chuyên gia chống khủng bố khác lo ngại một thế hệ người sinh ra trong cái bóng của vụ khủng bố 11.9 có thể không hiểu rằng trong suốt chiều dài lịch sử, phần lớn vụ tấn công khủng bố ở Mỹ đều có cái gốc từ nội địa.

Thực tế, một báo cáo do Văn phòng Trách nhiệm chính phủ (GAO) chỉ ra rằng trong số “85 vụ bạo lực do những kẻ cực đoan gây ra dẫn tới chết người kể từ ngày 11.9.2011, các nhóm cực hữu đã chiếm tới 62 vụ (73%) trong khi Hồi giáo cực đoan chỉ gây ra có 23 vụ (27%)”.

Johnson nói thêm: “Có rất nhiều người thuộc thế hệ thiên niên kỷ không hề có ý niệm gì về vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma vào năm 1995”. Vụ khủng bố chấn động ở Oklahoma, làm 168 người thiệt mạng gồm 19 đứa trẻ, lâu nay vẫn được cho là có liên quan tới chủ nghĩa khủng bố với gốc rễ ở khu vực Trung Đông. Nhưng hóa ra, thủ phạm lại là một kẻ có nhiều nét tương đồng với một người Mỹ trung lưu bình thường: Một cựu chiến binh vùng Vịnh, da trắng , có tên Timothy McVeigh. Gã đã dùng kiến thức quân sự để chế tạo một chiếc xe bom khổng lồ, sử dụng nguyên liệu là phân hóa học. McVeigh và đồng phạm Terry Nichols - kẻ tự nhận mình là một công dân đứng trên luật - đã coi vụ tấn công giống như một canh bạc, nhằm lật đổ một chính quyền liên bang độc đoán.

Cụ thể hơn, vụ đánh bom được coi như hành động trả đũa hai chiến dịch của nhà chức trách diễn ra trước đó, vốn khiến những kẻ cực hữu nổi điên. Vụ thứ nhất xảy ra vào năm 1992, khi Randy Weaver, một cựu lính đặc nhiệm Green Beret của Lục quân Mỹ đưa gia đình tới một ngôi nhà hẻo lánh ở dãy núi Ruby Ridge, Idaho, để chạy trốn cái mà họ xem là một thế giới tha hóa.

Thay vì cho rằng nhà Weaver là những kẻ yêu hòa bình, nhà chức trách cáo buộc Randy là thành viên một nhóm thù ghét chủng tộc, đã phạm luật về sử dụng vũ khí. Khi Randy không tới trình diện trước tòa, cảnh sát đã tấn công ngôi nhà ở Ruby Ridge, dẫn tới việc Vicki, vợ Randy, và đứa con trai Sammy mới 14 tuổi của họ bị bắn chết. Vụ này khiến những kẻ cực hữu đau xót, cho rằng nhà chức trách đã can thiệp thô bạo, trái luật vào cuộc sống của một người dân vô tội.

Nhưng phải tới vụ vây hãm giáo phái Branch Davidian ở Waco, Texas vào năm 1993, với kết cục là xảy ra một đám cháy khủng khiếp làm 80 người thiệt mạng, phong trào chống chính phủ mới thực sự bùng lên mạnh mẽ. Một phần do hậu quả của cuộc khủng hoảng trang trại diễn ra trong những năm 1980, vốn khiến nhiều nông dân Mỹ kiệt quệ vì nợ nần, những năm 1990 đã chứng kiến sự gia tăng hoạt động của các phần tử cực hữu, các phong trào chống chính quyền và các nhóm tà giáo.

Gary Noesner, một nhân viên FBI về hưu từng đóng vai trò phụ trách đàm phán trong các vụ Ruby Ridge và Waco, bên cạnh vụ đối đầu dài 81 ngày với những kẻ bất tuân luật pháp thuộc phong trào Montana Freemen hồi năm 1996, cho biết: “Rất nhiều người bị thu hút vào những phong trào như thế đều thuộc lứa tôi, đa phần là dân da trắng trung tuổi. Họ đã chứng kiến những thay đổi lớn lao và nghĩ rằng mình đã bị bỏ lại trong khi kẻ khác thì thành công về mặt kinh tế. Họ muốn quay trở lại một thời kỳ hoàng kim chưa từng tồn tại , ở đó ai cũng hạnh phúc, đủ đầy và ai cũng là người da trắng”. Ông cũng nói rằng đã thấy rất nhiều điểm tương đồng trong bầu không khí chính trị ở giai đoạn trước kia và hiện nay.

Một chu kỳ cực đoan mới đang xuất hiện

Sau vụ đánh bom Oklahoma, chính quyền tăng mạnh các hoạt động trấn áp và sự cảm thông của công chúng với quan điểm cực hữu nhanh chóng bốc hơi. McVeigh bị hành quyết vào năm 2001, chỉ ba tháng trước vụ 11.9, khiến nguy cơ khủng bố hình thành từ trong lòng nước Mỹ trở thành điều gì đó giống như một ký ức thật xa xôi.

Nhưng thực tế thì nguy cơ vẫn đang hiện hữu và nó cũng đã có sự thay đổi so với thời McVeigh. Một số kẻ cực đoan, như Jerry Kane - một tài xế xe tải thất nghiệp - vẫn tương đối vừa vặn với hình ảnh người Mỹ bình thường: Đàn ông da trắng cổ cồn xanh, ẩn náu trong rừng và tự huấn luyện để chống ngày tận thế. Tuy nhiên đa số khác thì không. Ví dụ không phải ai cũng có nền tảng kinh tế giống nhau. Năm 2012, Christopher Lacy, một kỹ sư phần mềm có việc làm và mang tư tưởng chống chính quyền đã nổ súng bắn vào đầu một viên cảnh sát bang ở California, khi bị dừng xe để kiểm tra.

Ngoài ra, không phải tất cả những kẻ mang tư tưởng cực hữu đều là người da trắng: Gavin Long, kẻ nổ súng giết 3 cảnh sát ở Louisiana vào năm ngoái, là người da đen. Ngày càng có nhiều người Mỹ da đen đón nhận tư tưởng cực hữu và tham gia các phong trào chống chính quyền như Moorish Science. Các chuyên gia tin rằng trong chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đề cao người da trắng, đã mất đi một phần ảnh hưởng với phong trào cực hữu, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn với bất cứ ai mang tư tưởng chống chính quyền, chống cảnh sát.

Một sự thay đổi về thế hệ đang diễn ra khi ngày càng có nhiều người trẻ tuổi tham gia phong trào chống chính quyền. Trong khi đó, việc thay đổi chương trình CVE để chỉ tập trung vào Hồi giáo cực đoan có thể sẽ làm dấy lên sự sợ hãi trong cộng đồng Hồi giáo, tạo ra cái cớ cho những lo ngại lâu nay của họ và góp phần tạo ra những kẻ cực đoan mới.

JJ MacNab, một chuyên gia về những kẻ cực hữu cho biết ông Donald Trump hiện vẫn đang ở trong giai đoạn “trăng mật” với những kẻ cực hữu sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ. Nhưng bà tin rằng chuyện này sẽ không kéo dài lâu: Khi những kẻ cực hữu nhận ra ông Trump không phải liều thuốc họ mong chờ, họ sẽ xoay ra chống lại.

McNab cũng chỉ ra rằng cảm tình cực đoan thường xuất hiện theo những chu kỳ cố định. Làn sóng gần đây nhất di chuyển qua một loạt hành động phản kháng cụ thể - như hành vi chống lại việc nộp thuế; cổ súy cho tư tưởng chống lại luật pháp; tự vũ trang nhằm chống chính quyền - trước khi dừng lại ở điểm bùng nổ cuối cùng: Vụ đánh bom Oklahoma. “Nước Mỹ đang lặp lại chu kỳ đó”, McNab nói, “Và chúng ta đã ở gần cuối của chu kỳ”.

hương giang
TIN LIÊN QUAN

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.