"Quan điểm của WHO là mâu thuẫn vì không có bằng chứng nào để nhận biết được các ca mắc COVID-19 không có triệu chứng", CNBC dẫn lời Bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ nói trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên "Good Morning America" của ABC.
"Bằng chứng cho thấy 25-45% số người nhiễm virus có thể không biểu hiện dấu hiệu bệnh. Từ các nghiên cứu dịch tễ học, chúng tôi biết rằng họ có thể truyền bệnh cho người khác ngay cả khi không có triệu chứng. Vì thế, đưa ra một nhận định cho rằng khả năng này hiếm là không chính xác", bác sĩ Fauci nói.
Một người không có triệu chứng là người đã nhiễm virus nhưng không bao giờ xuất hiện các dấu hiệu mắc bệnh. Trường hợp này khác với các bệnh nhân "tiền triệu chứng" - những người đã nhiễm virus và sau đó các dấu hiệu bệnh tiếp tục tiến triển nặng hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng người mắc COVID-19 cũng có thể lây lan virus ở giai đoạn "tiền triệu chứng", bác sĩ Fauci nêu rõ.
Trước đó, chuyên gia dịch tễ Maria Van Kerkhove của WHO tuyên bố: “Từ các thông tin mà chúng tôi có được, dường như rất hiếm khi những người mắc COVID-19 không có biểu hiện bệnh lây sang cho một cá nhân thứ hai”.
Phát biểu này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong giới khoa học cũng như cộng đồng quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nước vẫn đang duy trì phong tỏa và giãn cách xã hội chống dịch.
Tuy nhiên, trong buổi họp báo hôm 9.6, bà Van Kerkhove đã lên tiếng đính chính rằng phát biểu này đã gây ra hiểu lầm.
“Tôi không nói đó là nghiên cứu của WHO hay tổ chức nào cả. Tôi chỉ cố gắng làm rõ những điều mà chúng ta biết về COVID-19. Việc sử dụng cụm từ "rất hiếm" của tôi có lẽ đã gây ra hiểu lầm về các ca lây nhiễm không có triệu chứng trên toàn cầu", bà Van Kerkhove cho hay.