Trong 9 tháng qua, Việt Nam lần lượt tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chuỗi chuyến thăm của lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới cho thấy Việt Nam - quốc gia giỏi thu hút đầu tư sản xuất từ các công ty mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng - đang xử lý các mối quan hệ quốc tế một cách khéo léo, cây viết A. Anantha Lakshmi của tờ Financial Times chỉ ra.
Chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Việt Nam trong tuần này là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga kể từ năm 2017.
Chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin diễn ra chưa đầy một năm sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam tháng 9 năm ngoái và Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ song phương. Ba tháng sau chuyến thăm của ông Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và Việt Nam - Trung Quốc nhất trí cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược.
Chuyên gia Nguyễn Khắc Giang của Viện Iseas-Yusof Ishak, Singapore, nhận định, Việt Nam đang triển khai chính sách ngoại giao khá tốt. Việt Nam đã “chủ động trung lập”, Việt Nam hiểu rằng cần phải tích cực cân bằng quan hệ với các cường quốc khác nhau.
Financial Times lưu ý, trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các công ty như Apple khi tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 36,6 tỉ USD vào năm ngoái.
Bà Susannah Patton - Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Viện Lowy - cho rằng, Việt Nam rất sắc sảo trong mối quan hệ quốc tế. “Việt Nam đã được hưởng lợi từ lập trường chính sách đối ngoại đa phương hóa và khiến đất nước phù hợp với nhiều đối tác" - bà chỉ ra.
Việt Nam và Nga thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950. Năm nay cũng đánh dấu 30 năm Hiệp ước thiết lập quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nga.
Trong bối cảnh đó, học giả Prashanth Parameswaran của Chương trình Châu Á thuộc Trung tâm Wilson ở Mỹ, cho biết, Việt Nam đang củng cố mối quan hệ truyền thống với Nga đồng thời với việc đa dạng hóa với các đối tác mới hơn.
AP nhận định, chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam đang ngày càng được thể hiện. Là một cường quốc sản xuất và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đã đón tiếp cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2023.
Nigel Gould-Davies - chuyên gia cấp cao về Nga và Á - Âu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, Anh - chỉ ra, chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin rất quan trọng đối với Việt Nam ở cấp độ ngoại giao, để chứng minh Việt Nam "có thể duy trì sự cân bằng rất linh hoạt trong chính sách ngoại giao cây tre”.
“Trong vòng 1 năm, Việt Nam có các chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia 3 quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, điều này khá ấn tượng" - ông chỉ ra.
Theo New York Times, đối với Việt Nam, chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin là minh chứng của “ngoại giao cây tre". Hãng tin Mỹ nhận định, Việt Nam thiết lập mức quan hệ song phương cao nhất với 7 quốc gia, trong đó có Nga, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia.
Huong Le Thu - Phó Giám đốc khu vực châu Á của International Crisis Group - cho biết, chuyến thăm của ông Putin là một minh chứng cho thấy khả năng của Việt Nam trong việc “duy trì mối quan hệ với tất cả các bên, cho dù có cạnh tranh lẫn nhau giữa các cường quốc”. Cách tiếp cận này là “ngoại giao cây tre”, trong đó đất nước có thể cân bằng được nhiều mối quan hệ với các nước lớn. Bà nhấn mạnh, điều này nhằm đảm bảo lợi ích của Việt Nam.