"Quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga của nhiều thành viên NATO đẩy quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây xuống một mức thấp mới", ông Luca Susic chia sẻ với Sputnik hôm 26.3.
Ông nhấn mạnh, có một số khía cạnh cần được xem xét cẩn thận "trước khi nghiêng về phía một trong hai bên".
"Trước hết, giả sử Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh sử dụng chất độc thần kinh để đầu độc cựu điệp viên, trục xuất các nhà ngoại giao Nga thì đây là một phản ứng yếu ớt và chưa tương xứng của Anh và NATO, vì việc sử dụng một chất độc như vậy có thể coi là một hành vi gây hấn với một quốc gia có chủ quyền", Sputnik dẫn lời chuyên gia Luca Susic.
Tuy nhiên, giả thiết bị nhiều nước nhanh chóng phản ứng này cho thấy đây không phải là sự thật. Vậy khả năng liên quan của Mátxcơva trong vụ việc và những hậu quả của hành vi không thân thiện cần được xem xét.
"Ngược lại, nếu Mátxcơva, như Điện Kremlin tuyên bố, không liên quan tới vụ ám sát, thì chiến dịch trục xuất các nhà ngoại giao Nga là một bàn cờ cực kỳ nguy hiểm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng", chuyên gia làm việc tại Italia nhấn mạnh.
Ông lưu ý rằng một số nước, như Anh, quan tâm đến việc leo thang đối đầu với Nga hơn là cố gắng giảm bớt căng thẳng.
Luca Susic nhấn mạnh những nước tiếp tục leo thang căng thẳng dường như không quan tâm đến hậu quả địa chính trị từ hành động của họ: nếu đối mặt với những hành động không thân thiện từ Châu Âu, Nga sẽ có xu hướng gần gũi hơn với các đối tác khác.
"Chúng ta có thể nói rằng tình hình này có thể đẩy Nga hướng về Trung Quốc và Iran, điều chính xác là những gì các quốc gia Châu Âu nên tránh", ông Luca Susic kết luận.