Đây là chuyến thực thi tự do hàng hải thứ hai của Mỹ trong vòng vài tuần qua.
Tuyên bố của Hạm đội 7 đăng trên website Hải quân Mỹ cho biết: "Vào ngày 17.2 (giờ địa phương), USS Russell (DDG 59) đã khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) này duy trì các quyền, tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển được công nhận trong luật pháp quốc tế".
Hoạt động thực thi tự do hàng hải của khu trục hạm USS Russell diễn ra sau FONOP tương tự do tàu USS John S McCain tiến hành tại quần đảo Hoàng Sa 12 ngày trước đó. Nó cũng diễn ra chưa đầy một tuần sau khi hai tàu sân bay Mỹ, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz, tiến hành các cuộc diễn tập ở Biển Đông.
"Các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và quá mức ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và giao thương không bị cản trở, tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông" - thông cáo của Hạm đội 7 cho biết.

Các hoạt động của Hải quân Mỹ diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ không theo đuổi quan hệ Mỹ-Trung theo cách của người tiền nhiệm Donald Trump, mà sẽ tập trung vào luật lệ quốc tế. Ông Biden cũng nói rằng, Trung Quốc phải đối mặt với "sự cạnh tranh gay gắt" từ Mỹ dưới thời chính quyền của ông.
Theo CNN, kể từ khi nhậm chức vào ngày 20.1, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định cam kết của mình với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn, nói với Philippines và Nhật Bản rằng, các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đều nằm trong các hiệp ước phòng thủ chung buộc Washington phải bảo vệ chúng.