Chiến tranh hạt nhân dưới góc nhìn của một nhà khoa học

thế vinh (tổng hợp) |

Carl Sagan (1934 - 1996) là một nhà khoa học lỗi lạc của thế kỷ XX. Trong tác phẩm kinh điển “Vũ trụ” (Nhã Nam - NXB Thế giới hợp tác dịch và xuất bản), ông đã bày tỏ quan điểm của mình về vũ khí hạt nhân và chiến tranh hạt nhân. Xin lược trích gửi tới bạn đọc.

Có những thế giới mà sự sống chưa bao giờ đâm chồi nảy lộc. Có những thế giới bị đốt thành than và bị phá hủy bởi những tai họa vũ trụ. Chúng ta gặp may: Chúng ta đang tồn tại; chúng ta hùng mạnh; sự phồn vinh của nền văn minh chúng ta và của loài chúng ta nằm trong chính bàn tay chúng ta. Nếu chúng ta không lên tiếng cho Trái Đất, thì ai sẽ lên tiếng? Nếu chúng ta không chăm lo cho sự tồn vong của mình, thì ai sẽ chăm lo cho chúng ta? 

1. Loài người giờ đây đang bắt tay vào một cuộc thay đổi vĩ đại mà nếu thành công sẽ quan trọng như việc chiếm lĩnh trên cạn hoặc việc từ bỏ cách sống trên cây chuyển xuống đất. Chúng ta đang phá gong cùm của Trái Đất một cách ngập ngừng, không dứt khoát - về mặt ẩn dụ, bằng cách chống đối và chế ngự những cảnh báo của phần não sơ khai hơn cả bên trong chúng ta; về mặt vật chất, bằng cách du hành đến các hành tinh và lắng nghe thông điệp từ các vì sao. Hai biện pháp này gắn kết với nhau một cách bền vững. Cái này, theo tôi, là điều kiện cần của cái kia. Nhưng sinh lực của chúng ta lại hướng tới chiến tranh nhiều hơn. Bị sự nghi ngờ lẫn nhau thôi miên, gần như không quan tâm đến loài của mình hay đến hành tinh, các quốc gia lao vào chuẩn bị cho sự chết chóc. Vì những gì chúng ta đang làm khủng khiếp quá, nên chúng ta không muốn nghĩ nhiều về nó. Nhưng nếu cái gì không xem xét thấu đáo thì khó mà có hành động đúng được. 

Mỗi một người biết suy nghĩ đều sợ chiến tranh hạt nhân, vậy mà quốc gia nào có công nghệ phát triển cao cũng đều vạch ra kế hoạch cho nó. Hình thành một chuỗi nhân quả đáng sợ: Người Đức đang chuẩn bị chế tạo bom nguyên tử khi nổ ra Chiến tranh thế giới II, nên người Mỹ phải nhanh chân hơn để làm ra đầu tiên. Một khi Mỹ đã có rồi, thì Liên Xô cũng phải có, rồi Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... Nhiều nước đã có vũ khí hạt nhân, chế tạo ra nó có vẻ như không khó mấy. Vật liệu phân chia hạt nhân có thể lấy cắp từ các lò phản ứng hạt nhân. Vũ khí hạt nhân gần như đã trở thành một ngành thủ công nghiệp tại gia. 

Những quả bom thông thường cỡ lớn thời Thế chiến II được gọi là bom tấn. Chứa 20 tấn thuốc nổ TNT, bom tấn có thể phá hủy cả một khu phố. Tất cả số bom thả xuống tất cả các thành phố trong Thế chiến II là vào khoảng 2 triệu tấn, tức 2 megaton, thuốc nổ TNT - Coventry và Rotterdam, Dresden và Tokyo, toàn bộ những cái chết gieo rắc từ trên trời xuống trong khoảng thời gian từ năm 1939 - 1945 cũng chỉ lên đến 2 megaton, chứa trong hàng chục vạn quả bom tấn. Nhưng đến cuối thế kỷ XX, 2 megaton là năng lượng thoát ra trong vụ nổ của một quả bom nhiệt hạch hạng xoàng: Một quả bom như thế có sức công phá của cả cuộc Thế chiến thứ II. Có tới hàng vạn đơn vị vũ khí hạt nhân. Đến thập kỷ 90 của thế kỷ XX, lực lượng tên lửa và máy bay ném bom chiến lược của Liên Xô và Hoa Kỳ đã hướng các đầu đạn hạt nhân vào hơn 15.000 mục tiêu định sẵn. Không có nơi nào trên Trái Đất an toàn. Năng lượng chứa trong những vũ khí này, những thần chết kiên nhẫn chờ hiệu lệnh, vượt xa con số 10.000 megaton - nhưng với sự công phá tập trung một cách hữu hiệu, không rải ra 6 năm mà chỉ trong vài giờ, thì đúng là một quả bom tấn cho mỗi gia đình trên hành tinh này. Một cuộc Thế chiến II trong mỗi giây và kéo dài cả một buổi chiều uể oải. 

2. Những nguyên nhân gây ra cái chết tức khắc trong vụ tấn công hạt nhân là sóng xung kích, có thể san phẳng những tòa nhà cốt thép nặng trong vòng vài kilômét, là cơn bão lửa, là tia gamma và các hạt nơtron, có thể nướng bỏng lục phủ ngũ tạng bất cứ ai có mặt tại đó. Một cô bé học sinh sống sót trong vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, sự kiện kết thúc Thế chiến II, đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe như sau:

“Xuyên qua bóng tối như dưới đáy địa ngục, tôi nghe thấy tiếng những học sinh khác gọi mẹ. Dưới chân cầu, bên trong cái bể chứa nước lớn được đào ở đấy, một bà mẹ vừa khóc vừa giơ cao quá đầu đứa trẻ trần trụi bị bỏng đỏ toàn thân. Một bà mẹ khác đang khóc nức nở khi chìa bộ ngực bị bỏng cho đứa con bú. Trong bể, đám học sinh đứng nhô đầu lên trên mặt nước, hai tay đan vào nhau, miệng gào khóc thảm thiết gọi mẹ. Nhưng người nào đi ngang qua cũng bị thương, không sót người nào, và chẳng có ai đến giúp cả. Mái tóc cháy sém trên đầu họ xoăn lại, pha sắc trắng và phủ đầy bụi. Như thể họ không phải là con người, là tạo vật của thế giới này”. 

Vụ ném bom Hiroshima, khác với vụ ném bom Nagasaki tiếp sau đó, do bom nổ trong không trung, khá cao so với mặt đất, nên lượng mưa bụi phóng xạ không lớn. Nhưng vào ngày 1.3.1954, một vụ thử vũ khí nhiệt hạch ở đảo Bikini thuộc quần đảo Marshall, có công suất lớn hơn dự kiến. Một đám mây phóng xạ tụ lại trên đảo san hô bé tí Rongalap, cách đó 150km, cư dân tại đó cảm thấy vụ nổ như hiện tượng Mặt Trời mọc ở phía Tây. Vài giờ sau, tro phóng xạ rơi xuống Rongalap như tuyết rơi. Liều phóng xạ trung bình nhận được là 175 rad, tức suýt soát một nửa liều tối thiểu để giết chết một người trung bình. Vì ở xa nơi nổ, nên không có nhiều người chết. Thế nhưng stơrônti phóng xạ mà họ ăn phải đã tích tụ trong xương, còn iốt phóng xạ thì tích tụ trong tuyến giáp của họ. 2/3 trẻ em và 1/3 người lớn về sau bị mắc những rối loạn tuyến giáp, chậm lớn hoặc u ác tính. Để bù đắp cho họ, người dân quần đảo Marshall được chăm sóc y tế chuyên biệt. 

3. Công suất của quả bom Hiroshima chỉ là 13 kilôton, tương đương với 13.000 tấn thuốc nổ TNT. Công suất vụ thử ở đảo Bikini là 15 megaton. Trong một cuộc đọ sức hạt nhân tổng lực, khi chiến tranh nhiệt hạch lên đến đỉnh điểm, sẽ có tương đương 1 triệu quả bom Hiroshima được ném xuống khắp nơi trên thế giới. Tính theo mức độ sát thương vài trăm ngàn người bị giết trên một vũ khí cỡ 13 kilôton, thì lượng nổ trên đủ giết chết 100 tỉ người. Nhưng vào cuối thế kỷ XX, trên hành tinh này có chưa tới 5 tỉ người. Tất nhiên, trong một cuộc đọ sức như vậy, không phải ai cũng bị chết bởi sóng xung kích, bão lửa, bức xạ và mưa bụi phóng xạ - tuy mưa và bụi phóng xạ kéo dài khá lâu: 90% stơrônti sẽ phân rã trong 96 năm; 90% xêri 137 phân rã trong 100 năm; 90% iốt 131 phân rã chỉ trong 1 tháng. 

Những người sống sót sẽ chứng kiến những hậu quả tinh vi hơn của chiến tranh. Một cuộc đấu hạt nhân tổng lực hai chiều sẽ đốt nitơ ở thượng tầng khí quyển, biến nó thành ôxít nitơ, đến lượt nó ôxít nitơ sẽ phá hủy một lượng lớn ôzôn ở trên cao, làm liều lượng  bức xạ tử ngoại của Mặt Trời  lọt xuống trái đất tăng mạnh (Quá trình này cũng tương tự như sự phá hủy tầng ôzôn bởi chất đẩy florocácbon trong các bình xịt khí dung, đã bị một số nước cấm sử dụng, nhưng nguy hiểm hơn nhiều. Người ta giải thích sự tuyệt chủng của khủng long do một vụ nổ sao siêu mới cách chúng ta vài chục năm ánh sáng cũng bằng những hiện tượng tương tự). Thông lượng tử ngoại tăng lên sẽ kéo dài hàng năm. Nó sẽ gây ra bệnh ung thư da, nhất là ở những người có da màu sáng. Quan trọng hơn nhiều, nó sẽ tác động đến sinh thái của hành tinh chúng ta theo cách thức không thể lường trước. Ánh sáng tử ngoại phá hỏng mùa màng. Nhiều vi sinh vật sẽ bị chết, tuy chúng ta không biết những loại nào sẽ chết và chết bao nhiêu, hoặc những hậu quả có thể có. Những loài vi sinh vật bị chết rất có thể là chân đế của một kim tự tháp sinh thái khổng lồ mà chúng ta ngự ngất nghểu trên đỉnh. 

Bị tung vào không khí trong một cuộc đọ sức hạt nhân sẽ phản xạ ánh sáng Mặt Trời và làm Trái Đất lạnh đi một chút. Ngay cả sự lạnh đi một chút ấy cũng gây ra những hậu quả khủng khiếp về nông nghiệp. Chim chóc dễ bị chết vì bức xạ hơn côn trùng. Những nạn dịch côn trùng và tiếp theo đó là những rối loạn về nông nghiệp chắc sẽ là những hậu quả nhãn tiền của chiến tranh hạt nhân. Cũng có nạn dịch loại khác đáng lo: Khuẩn que gây bệnh dịch lan tràn khắp thế giới. Vào cuối thế kỷ XX, con người không chết nhiều vì dịch bệnh - không phải vì không còn vi khuẩn, mà vì sức đề kháng cao. Tuy nhiên, bức xạ sinh ra trong một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ làm yếu hệ miễn dịch của cơ thể, ngoài nhiều tác động khác mà nó gây ra, khiến cho khả năng chống chọi bệnh tật của chúng ta bị suy giảm. Xét về lâu dài, sẽ xảy ra các hiện tượng đột biến, sinh ra những chủng vi khuẩn, những giống côn trùng mới, việc này càng gây thêm khó khăn rắc rối cho bất cứ những người nào sống sót qua một thảm họa hạt nhân. Biết đâu sau đó, khi đã đủ thời gian cho những đột biến gien tái tổ hợp và bộc lộ, sẽ sinh ra những biến thể con người mới kinh khủng. Hầu hết những đột biến này, khi bộc lộ ra, sẽ mang tính nguy hiểm chết người. Khi ấy lại có những đau đớn thống khổ khác: Mất người thân yêu; la liệt người bị bỏng, bị mù và cụt chân cụt tay; bệnh tật, dịch bệnh, ô nhiễm phóng xạ lâu dài trong không khí và trong nước; nguy cơ sinh u ác tính, thai chết lưu và trẻ em dị dạng; không được chăm sóc y tế; cảm giác bất lực về một nền văn minh bị phá hủy vô cớ; nhận thức rằng lẽ ra chúng ta có thể ngăn ngừa thảm họa mà rốt cuộc không ngăn chặn được. 

4. L.F. Richardson là một nhà khí tượng người Anh quan tâm đến vấn đề chiến tranh. Ông muốn hiểu những nguyên nhân của nó. Có những đặc điểm tâm thức song hành giữa chiến tranh và thời tiết. Cả hai đều phức tạp. Cả hai đều thể hiện những quy luật cho thấy rằng chúng không phải là những thế lực không thể chế áp mà là những hệ tự nhiên có thể hiểu và điều khiển được. Để hiểu được thời tiết quy mô toàn cầu, trước tiên ta phải thu thập một lượng lớn dữ liệu khí tượng; ta phải phát hiện xem thời tiết hành xử ra sao. Richardson cho rằng cách tiếp cận cũng giống như thế, nếu ta muốn hiểu chiến tranh. Thế là ông thu thập dữ liệu về hàng trăm cuộc chiến tranh xảy ra trên hành tinh đáng thương của chúng ta trong khoảng thời gian từ 1820 - 1945. Kết quả của Richardson đã được công bố sau khi ông mất trong một cuốn sách nhan đề “Thống kê các cuộc thù địch gây chết chóc” (The Statistics of Deadly Quarrels). Băn khoăn nghĩ đến việc ta phải đợi một cuộc chiến tranh lấy đi một số sinh mạng cho trước trong bao lâu, ông đã tìm cách xác định một chỉ số M, độ lớn của cuộc chiến tranh, là thang đo số người chết tức thời mà nó gây ra. Một cuộc chiến tranh có độ lớn M = 3 có thể chỉ là một cuộc đụng độ làm chết 1.000 (103) người. M = 5 hay M = 6 là những cuộc chiến tranh ghê gớm hơn, khi có 100.000 (105) hay 1 triệu (106) người chết. Hai cuộc Thế chiến I và II có độ lớn hơn thế. Richardson thấy rằng một cuộc chiến tranh cướp đi càng nhiều sinh mạng thì càng ít khả năng xảy ra, và ta phải mất thời gian lâu hơn mới được chứng kiến nó, cũng giống như những cơn bão dữ dội ít xảy ra hơn so với những cơn mưa giông. 

Nhưng chiến tranh hạt nhân là một ngoại lệ, nó có thể được kích hoạt bởi một nhúm người rất nhỏ.

Khi loài người còn sống thành từng nhóm nhỏ, khi vũ khí của chúng ta chỉ là những thứ tương đối tầm thường, thì một chiến binh giận dữ cũng chỉ có thể giết được ít người. Nhưng khi công nghệ được cái tiến, thì các phương tiện chiến tranh cũng được hoàn thiện.  Trong khoảng thời gian ngắn đó, chúng ta cũng hoàn thiện. Chúng ta đã biết chế ngự sự tức giận, nỗi thất vọng và tuyệt vọng bằng lý trí. Ở quy mô toàn thế giới, chúng ta đã làm giảm bớt những bất công mà chỉ cách đây chưa lâu còn mang tính toàn cầu và lây lan như bệnh dịch. Còn vũ khí của chúng ta bây giờ có thể tàn sát hàng tỉ người. Chúng ta đã hoàn thiện đủ nhanh chưa? Chúng ta đã học tư duy bằng lý trí đủ hữu hiệu chưa? Chúng ta đã nghiên cứu chiến tranh một cách thật sự dũng cảm chưa?

Thế chiến II có độ lớn 7,7: Khoảng 50 triệu quân nhân và dân thường đã chết. Công nghệ giết chóc đã có tiến bộ vượt bậc. Vũ khí hạt nhân lần đầu tiên được sử dụng. Có ít dấu hiệu cho thấy động cơ và xu thế thích sử dụng chiến tranh giảm đi từ bấy đến nay, còn vũ khí cả thông thường lẫn hạt nhân ngày càng có sức tiêu diệt cao hơn. Chiến tranh hạt nhân đồng nghĩa với Ngày Tận Thế. Đây không còn chỉ là một mối lo ngại thoáng qua nữa. 

5. Phát triển vũ khí hạt nhân và các hệ thống phóng nó đến đích không sớm thì muộn sẽ dẫn đến thảm họa toàn cầu. Nhiều nhà khoa học Mỹ và Châu Âu di cư từng tham gia phát triển những vũ khí hạt nhân đầu tiên rất buồn khi nhắc đến con quái vật mà họ đã thả ra thế gian. Họ kêu gọi cấm hẳn vũ khí hạt nhân. Nhưng tiếng nói của họ không được lắng nghe; triển vọng chiếm ưu thế chiến lược đã làm mê hoặc cả Liên Xô lẫn Hoa Kỳ, thế là cuộc chạy đua vũ trang bắt đầu. Với sự nuông chiều đáng kể, các tổ hợp công nghiệp quân sư của các phe thù địch ôm riết lấy nhau bằng cái ôm chết chóc, và thế giới khám phá ra rằng mình đang bị đẩy tới sự diệt vong tối hậu do hành động của con người. 

Chúng ta sẽ giải thích cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu như thế nào cho một người quan sát ngoài hành tinh không thiên vị? Chúng ta sẽ biện hộ như thế nào về việc phát triển những vệ tinh giết chóc, những vũ khí chùm hạt, bom nơtron, tên lửa hành trình gây mất ổn định, và việc biến những vùng to bằng cả một quốc gia con con thành một bãi giấu một tên lửa đạn đạo liên lục địa lẩn trong số hàng trăm vật nghi binh? Liệu chúng ta có cố cãi rằng một vạn đầu đạn hạt nhân hướng sẵn vào mục tiêu sẽ làm tăng triển vọng sống sót của chúng ta? Chúng ta sẽ báo cáo về trách nhiệm cai quản hành tinh Trái Đất của mình như thế nào? Chúng ta đã nghe lý lẽ mà các cường quốc hạt nhân đưa ra. Chúng ta biết rằng họ lên tiếng thay mặt các quốc gia. Thế ai sẽ lên tiếng thay mặt cho Loài Người? Ai sẽ lên tiếng cho Trái Đất?

Chúng ta có đủ động lực để làm việc cùng nhau và khả năng tìm ra cách thức làm việc cùng nhau. Nếu chúng ta sẵn lòng suy ngẫm về chiến tranh hạt nhân và sự hủy diệt hoàn toàn xã hội toàn cầu mới trỗi dậy của chúng ta, thì tại sao chúng ta không sẵn lòng suy ngẫm về sự tái cấu trúc hoàn toàn các xã hội của chúng ta? Xét từ quan điểm người ngoài hành tinh, nền văn minh toàn cầu của chúng ta rõ ràng đang ở bên mép thất bại trong nhiệm vụ quan trọng nhất mà nó đối mặt: Bảo tồn đời sống và hạnh phúc của các công dân hành tinh này. 

Đối mặt với khả năng đáng lo như vậy mà chúng ta luôn cố giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề, cố cãi rằng những người lo lắng về Ngày Tận Thế là những kẻ gieo rắc hoang mang, rằng những thay đổi cơ bản trong các định chế của chúng ta là không thực tiễn hoặc trái với “tính người”, cứ như thể chiến tranh hạt nhân mới là thực tiễn hoặc như thể chỉ có một tính người duy nhất. Chiến tranh hạt nhân quy mô lớn chưa từng xảy ra. Có thể từ đó mà suy rằng nó sẽ không bao giờ xảy ra. Nhưng chúng ta chỉ có thể trải nghiệm nó một lần. Mà khi đó thì đã quá muộn để điều chỉnh lại con số thống kê. 

Chúng ta - mọi dân tộc trên Trái Đất này - những con tin hạt nhân, phải tự giáo dục mình về chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân. Rồi chúng ta phải giáo dục các chính phủ của mình. Chúng ta phải học thứ khoa học và công nghệ chỉ tạo ra những công cụ giúp chúng ta không bị diệt vong. Chúng ta phải biết can đảm thách thức những quan niệm xã hội, chính trị, kinh tế và tôn giáo quen thuộc. Chúng ta phải đem mọi nỗ lực ra để hiểu rằng, mọi con người trên khắp thế giới đều cùng chung một loài: Loài Người. Tất nhiên, những bước đi như vậy là rất khó khăn.

 

 

thế vinh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

2 tàu ngầm hạt nhân uy lực gia nhập hạm đội Hải quân Nga

Khánh Minh |

2 tàu ngầm hạt nhân Nga uy lực trang bị tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa hạt nhân Bulava sẽ gia nhập hạm đội Hải quân Nga vào cuối năm nay.

Tổ hợp hạt nhân Yongbyon - tâm điểm “làm lỡ” thoả thuận Mỹ-Triều

Song Minh |

Khu phức hợp hạt nhân Yongbyon được xem là "át chủ bài" trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng một lần nữa vấn đề này chưa được giải quyết trong thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

Ông Trump tuyên bố: Tốc độ phi hạt nhân hóa không phải là vấn đề

Thanh Hà |

Trong trao đổi khi mở đầu ngày làm việc thứ 2 của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump cho biết, tốc độ phi hạt nhân hóa không phải là vấn đề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

2 tàu ngầm hạt nhân uy lực gia nhập hạm đội Hải quân Nga

Khánh Minh |

2 tàu ngầm hạt nhân Nga uy lực trang bị tên lửa hành trình Kalibr và tên lửa hạt nhân Bulava sẽ gia nhập hạm đội Hải quân Nga vào cuối năm nay.

Tổ hợp hạt nhân Yongbyon - tâm điểm “làm lỡ” thoả thuận Mỹ-Triều

Song Minh |

Khu phức hợp hạt nhân Yongbyon được xem là "át chủ bài" trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng một lần nữa vấn đề này chưa được giải quyết trong thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

Ông Trump tuyên bố: Tốc độ phi hạt nhân hóa không phải là vấn đề

Thanh Hà |

Trong trao đổi khi mở đầu ngày làm việc thứ 2 của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump cho biết, tốc độ phi hạt nhân hóa không phải là vấn đề.