WHO hối thúc chia sẻ
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, tổng số ca tử vong và lây nhiễm mới trên toàn thế giới giảm trong vài tuần, nhưng số ca tử vong đang tăng lên ở những nơi thiếu vaccine như Châu Phi và Mỹ Latinh. Ông lưu ý, trọng tâm của vấn đề này là hố hâu ngăn cách giữa các quốc gia giàu có nơi sở hữu đa số vaccine COVID-19 và những quốc gia có thu nhập thấp có ít vaccine qua đó tạo ra "đại dịch hai hướng".
“Việc phân phối vaccine không công bằng khiến virus tiếp tục lây lan, làm tăng khả năng xuất hiện một biến thể khiến vaccine kém hiệu quả hơn" - ông nói thêm.
Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, “rào cản lớn nhất để chấm dứt đại dịch vẫn là chia sẻ về liều lượng, về nguồn lực, về công nghệ". Có 44% liều vaccine COVID-19 trên thế giới được chuyển đến các nước thu nhập cao, trong khi các nước thu nhập thấp chỉ có khoảng 4%. “Điều khó chịu nhất về thống kê này là nó đã không thay đổi trong nhiều tháng" - ông cho hay.
Tại phiên họp Đại hội đồng Y tế Thế giới mới đây, Tiến sĩ Tedros kêu gọi thế giới thúc đẩy tất cả các quốc gia tiêm chủng cho 10% dân số vào tháng 9 và 30% vào cuối năm nay. “Để đạt được những mục tiêu này, chúng ta cần thêm 250 triệu liều trước tháng 9, và chúng ta cần 100 triệu liều chỉ trong tháng 6 và tháng 7" - ông nói hôm 7.6.
Đã có một số tiến triển trong đảm bảo liều vaccine COVID-19 và viện trợ, trong đó Mỹ cam kết gửi 80 triệu liều vaccine COVID-19 cho thế giới trong tháng 6. Thêm vào đó, hàng chục quốc gia khác nhau cam kết tài trợ thêm hàng chục triệu liều vaccine và 2,4 tỉ USD cho nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu Đại học Duke, Mỹ, cần khoảng 11 tỉ liều vaccine để tiêm chủng cho 70% dân số thế giới.
Ấn Độ tiêm vaccine miễn phí
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo ngày 7.6 rằng, chính phủ liên bang sẽ cung cấp các liều vaccine COVID-19 miễn phí cho bất kỳ người lớn nào bắt đầu từ cuối tháng 6 và kiểm soát lại việc tiêm chủng của quốc gia Nam Á này.
Theo quyết định mới, chính phủ liên bang Ấn Độ sẽ mua 75% tất cả các loại vaccine COVID-19 trực tiếp từ các nhà sản xuất và cung cấp miễn phí cho các bang và 25% vaccine còn lại sẽ do khu vực tư nhân mua. Đến nay, Ấn Độ mới chỉ tiêm 222 triệu liều vaccine và chưa đến 5% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ở 2 trong số các thành phố lớn nhất của Ấn Độ đã mở cửa trở lại theo lộ trình nới lỏng từng giai đoạn. Một số bang ở Ấn Độ cũng đang nới lỏng phong tỏa khi số ca mắc COVID-19 mới đang giảm đều.
Thủ đô New Delhi cho phép các doanh nghiệp và cửa hàng mở cửa trở lại từ 7.6 với số giờ giới hạn. Tàu điện ngầm phục vụ thành phố và khu vực lân cận đã hoạt động trở lại với 50% công suất. Tuần trước, chính quyền thủ đô Ấn Độ cho phép một số hoạt động sản xuất và xây dựng tiếp tục trở lại.
Ở bang Maharashtra, nơi có trung tâm tài chính Mumbai và là một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19 ở Ấn Độ, các trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hàng và văn phòng mở cửa trở lại ở các quận có tỉ lệ ca dương tính dưới 5%.
Sau khi ghi nhận đỉnh điểm hơn 400.000 ca COVID-19 mới mỗi ngày hồi tháng 5, các ca lây nhiễm và tử vong ở Ấn Độ đã giảm. Ngày 7.6, số ca nhiễm mới ở Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng. Với 100.636 ca mới trong 24 giờ trước đó, tổng số ca COVID-19 của Ấn Độ lên gần 29 triệu người, chỉ sau Mỹ. Chính phủ Ấn Độ kỳ vọng mở cửa trở lại có thể hồi sinh nền kinh tế.
Trong công bố ngày 7.6, ông Modi cũng mở rộng chương trình hỗ trợ của chính phủ cho các hộ gia đình nghèo sau tháng 5 và tháng 6. Theo đó, Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố phân phát thực phẩm miễn phí cho hơn 800 triệu hộ gia đình mỗi tháng cho đến tháng 11 năm nay.