Theo báo cáo sơ bộ từ các nhà khí tượng, Italia vừa ghi nhận nhiệt độ nắng nóng cao nhất trong lịch sử Châu Âu.
Thành phố Syracuse trên bờ biển của đảo Sicily, Italia, đã ghi nhận nhiệt độ 48,8 độ C vào ngày 11.8. Nếu được Tổ chức Khí tượng Thế giới xác nhận, mức nhiệt này sẽ phá vỡ kỷ lục nắng nóng 48 độ C ở Châu Âu trước đó, được ghi nhận tại Athens, Hy Lạp vào năm 1977.
Một đợt nắng nóng kinh hoàng đã thiêu đốt khu vực Địa Trung Hải trong hơn một tuần nay, gây ra những trận cháy rừng tàn khốc, tàn phá nhà cửa và cướp đi nhiều sinh mạng ở Italia, Hy Lạp, Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng tin AP.
Thị trưởng thành phố Syracuse - ông Francesco Italia - nói trên tờ La Repubblica rằng nắng nóng kỷ lục đang gây quan ngại sâu sắc khi một trong những hệ sinh thái phong phú và quý giá nhất của Châu Âu tại địa phương này đang rơi vào nguy hiểm do ngọn lửa tàn phá.
"Chúng tôi đang trong tình trạng khẩn cấp" - Thị trưởng Syracuse cho hay.
Theo số liệu thống kê của chính phủ Italia, các nhân viên cứu hỏa đã xử lý 44.442 vụ cháy rừng kể từ ngày 15.6 đến nay. Đây là mức tăng quá lớn so với 26.158 vụ được báo cáo trong suốt mùa hè năm 2020.
Cơ quan cứu hỏa và cứu hộ Italia thông báo trên Twitter cho biết, các nhân viên cứu hỏa của họ đã chiến đấu với hơn 500 vụ cháy ở Sicily và Calabria chỉ riêng từ đêm 11.8 đến sáng 12.8, phải sử dụng tới 5 máy bay để dập lửa từ trên cao.
Đã có tới 4 người chết có liên quan đến các vụ hỏa hoạn trong tuần qua ở miền Nam Italia.
Các đám cháy lớn cũng đang tàn phá các khu vực khác ở Nam Âu và Bắc Phi trong tuần này, thiêu trụi nhiều ngôi làng ở Hy Lạp và buộc hàng nghìn người phải sơ tán. Tổng thống Algeria ngày 11.8 đã tuyên bố quốc tang 3 ngày sau khi số người chết vì cháy rừng tăng lên 65 người.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, một đám cháy rừng xảy ra gần một nhà máy điện than ở bờ biển phía tây nam cũng khiến nhiều người phải sơ tán.
Ngày 9.8, một báo cáo mang tính bước ngoặt từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ rằng Trái đất dự kiến sẽ đạt đến ngưỡng nóng lên 1,5 độ C do biến đổi khí hậu trong vòng 20 năm tới.
Báo cáo được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres mô tả là "báo động đỏ cho nhân loại", cảnh báo các đợt nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán và lũ lụt ngày càng phổ biến hơn khi hành tinh ấm lên.