Bệnh nhân mắc “viêm phổi lạ” do coronavirus mới thứ 2 đã qua đời ở Trung Quốc, có 3 ca mắc bệnh mới được phát hiện ở Nhật Bản và Thái Lan khiến các nước Châu Á trong tình trạng cảnh giác khi đợt cao điểm di chuyển Tết Nguyên đán 2020 đang đến gần.
Bệnh nhân thứ 2 qua đời do mắc “viêm phổi lạ” ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, giới chức y tế sở tại thông tin tối 16.1. Nạn nhân là một nam giới 69 tuổi, nhập viện trong tình trạng chức năng thận bất thường và tổn thương nghiêm trọng tới nhiều cơ quan. Người này ngã bệnh hôm 31.12, nhập viện Jinyintan Vũ Hán 5 ngày sau đó khi tình trạng trở nên xấu đi và qua đời hôm 15.1.
Có 41 ca nhiễm coronavirus mới được xác nhận ở Vũ Hán. Tại thành phố này, khoảng 763 người được theo dõi do có tiếp xúc gần gũi với các bệnh nhân. Trong đó, 644 người đã được ra khỏi diện theo dõi và 119 người vẫn đang được theo dõi nhưng không có ca lây nhiễm nào được phát hiện trong số những người này.
Hôm 9.1, nạn nhân tử vong đầu tiên vì dịch “viêm phổi lạ” ở Vũ Hán là một nam giới 61 tuổi.
Theo CNN, cho tới nay, coronavirus mới dường như không gây chết người hoặc truyền nhiễm như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hoặc Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS). Triệu chứng của các bệnh nhân chủ yếu là sốt và ho cũng như có một số bệnh nhân khó thở.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa loại trừ khả năng virus có thể truyền từ người sang người và các nhà virus học trên thế giới hiện đang nghiên cứu về loại virus mới này. Hôm 15.1, các quan chức cơ quan Y tế và Thực phẩm Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết, có khả năng hạn chế trong nguy cơ coronavirus mới lây truyền từ người sang người nhưng cũng không thể bỏ qua nguy cơ này.
Việc bùng phát dịch “viêm phổi lạ” ở Vũ Hán, Trung Quốc xảy ra trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong bối cảnh nhiều người trong số 1,4 tỉ người Trung Quốc sẽ di chuyển bằng đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không ở nội địa hoặc đi du lịch nước ngoài.
Cùng với dịch bệnh ở Trung Quốc, các ca mắc coronavirus mới được phát hiện ở Thái Lan và Nhật Bản với những người nhiễm bệnh đều từng đi tới Vũ Hán.
Giới chức Thái Lan thông tin hôm 17.1 về việc phát hiện một ca mắc coronavirus mới với một phụ nữ người Trung Quốc 74 tuổi. Bệnh nhân đến từ thành phố Vũ Hán bị cách li kể từ khi đến Thái Lan hôm 13.1 và được xác định là nhiễm coronavirus mới, ông Sukhum Karnchanapimai - Thư ký thường trực của Bộ Y tế Công cộng Thái Lan thông tin.
Ông Sukhum Karnchanapimai cũng trấn an người dân Thái Lan bình tĩnh đồng thời khẳng định không có dịch bệnh bùng phát ở nước này. Hôm 13.1, giới chức Thái Lan thông báo phát hiện một phụ nữ Trung Quốc 61 tuổi nhiễm coronavirus, ca đầu tiên được phát hiện bên ngoài Trung Quốc.
Ba ngày sau, hôm 16.1, Nhật Bản cũng thông báo xác nhận ca nhiễm đầu tiên sau khi một nam giới người Nhật Bản trở về từ chuyến thăm Vũ Hán.
Khắp Châu Á cũng đang chuẩn bị cho đợt cao điểm di chuyển Tết Nguyên đán trong bối cảnh lo ngại về loại virus mới từ Trung Quốc. Hành khách đến các trung tâm giao thông lớn của khu vực như sân bay Changi (Singapore), Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) và Narita (Tokyo, Nhật Bản) đều được yêu cầu báo cáo các triệu chứng như ho, sốt cho nhân viên kiểm dịch.
Bộ Y tế Công cộng Thái Lan đã tăng cường giám sát tại 4 sân bay có các chuyến bay hằng ngày từ Vũ Hán là: Sân bay Suvarnabhumi, Don Mueng, Chiang Mai và Phuket cũng như bất kỳ sân bay nào đón các chuyến bay trọn gói (charter flights) từ Vũ Hán. Từ 3.1, Thái Lan đã kiểm tra 13.624 lượt hành khách khắp các sân bay.
Chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan chia sẻ với Reuters rằng, khoảng 800.000 du khách từ Trung Quốc dự kiến sẽ đến Thái Lan trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Đối phó với bệnh “viêm phổi lạ” từ Trung Quốc: Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị
Ngày 16.1, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) đang xuất hiện tại Trung Quốc nguy cơ xuất hiện ở Việt Nam.
Theo đó, kiểm soát chặt những người có dấu hiệu nghi ngờ như sốt và viêm phổi, hoặc viêm phổi kẽ, hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác, bao gồm tất cả các trường hợp có chỉ định lâm sàng xét nghiệm viêm phổi cộng đồng... Theo Bộ Y tế, kỹ thuật xác định nCoV là kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Đối với các trường hợp đầu tiên nghi nhiễm virus corona mới, các đơn vị cần lưu mẫu và chuyển mẫu đến các cơ sở xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép khẳng định.
Nguy cơ dịch bệnh lây truyền vào Việt Nam là hoàn toàn có thể do nước ta có giao lưu thương mại, du lịch rất lớn với Trung Quốc. Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xâm nhập và sẵn sàng thu dung, điều trị, quản lý tốt các trường hợp bệnh ngay khi phát hiện. Lệ Hà