NASA thông tin ngày 26.8, trong tuần này, một công cụ trên cánh tay robot dài 2m của tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance sẽ mài mòn bề mặt tảng đá được gọi là "Rochette".
Việc này sẽ giúp các nhà khoa học NASA quan sát được bên trong sau đó xác định xem có muốn tàu Perseverance lấy một chút mẫu vật từ lõi đá này không.
Nếu nhóm quyết định lấy lõi từ tảng đá sao Hỏa này, quá trình lấy mẫu dự kiến bắt đầu vào tuần sau. Mẫu đá sao Hỏa mà tàu thăm dò của NASA dự kiến lấy sẽ chỉ to hơn chiếc bút chì một chút và được niêm trong một trong 42 ống titan trên Perseverance.
Sứ mệnh Perseverance từng tìm cách lấy mẫu vật sao Hỏa đầu tiên ở miệng núi lửa Jezero hôm 6.8 nhưng đá ở đây không đưa được vào trong ống lấy mẫu vì đã vỡ vụn thành bột.
Sau đó, tàu thám hiểm Perseverance di chuyển 455m đến một sườn núi được gọi là “Citadelle” - tiếng Pháp có nghĩa là “lâu đài” nhằm thể hiện địa hình hiểm trở này có hướng nhìn xuống sàn miệng núi lửa Jezero.
Tại Citadelle có lớp đá bao phủ dường như có khả năng chống lại được sự xói mòn của gió. Các nhà khoa học cho rằng đây là dấu hiệu khả quan để giữ được mẫu vật trong quá trình khoan trên sao Hỏa.
Để tránh thất bại như lần lấy mẫu vật trước, sứ mệnh sao Hỏa của NASA đã thêm một bước vào quy trình lấy mẫu tuần tới. Sau khi dùng hệ thống camera Mastcam-Z quan sát bên trong ống mẫu, tàu Perseverance sẽ tạm dừng trình tự lấy mẫu để nhóm sứ mệnh xem lại hình ảnh nhằm đảm bảo đã có lõi đá vào ống mẫu. Xác nhận xong sự hiện diện của mẫu, các nhà khoa học sẽ lệnh cho Perseverance niêm phong ống.
Ken Farley, nhà khoa học của dự án Perseverance tại Caltech ở Pasadena, California, chia sẻ: “Bằng cách đưa mẫu vật về Trái đất, chúng tôi hy vọng sẽ trả lời được một số câu hỏi khoa học, bao gồm thành phần của môi trường sao Hỏa".
NASA cho biết thêm, khi ở trên đỉnh Citadelle, tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance sẽ dùng radar dưới bề mặt gọi là RIMFAX để quan sát các lớp đá bên dưới. Đỉnh của sườn núi này cũng là điểm thuận lợi để camera Mastcam-Z tìm kiếm các mục tiêu đá tiềm năng khác.