Nhập khẩu dầu lửa của Nga chỉ chiếm khoảng 8% toàn bộ nhập khẩu dầu lửa hằng năm của Mỹ. Nhưng một khi Mỹ đã quyết định đi đầu như thế trong việc cấm vận Nga xuất khẩu năng lượng thì rồi các đồng minh của Mỹ và nhiều đối tác của Mỹ sẽ hành động theo. Họ rồi cũng quyết định ngừng nhập khẩu dầu lửa và khí đốt của Nga hoặc đưa ra lộ trình thời gian cụ thể (như EU hay Anh) để giảm dần mức độ và tiến tới không còn lệ thuộc vào cung ứng năng lượng từ Nga nữa. Hệ luỵ không tránh khỏi đối với Nga là Nga sẽ bị suy giảm đáng kể thu nhập từ xuất khẩu dầu lửa và khí đốt, tức là sẽ gặp khó khăn rất lớn về tài chính.
Mỹ và đồng minh mưu tính rằng tài chính khó khăn thì Nga sẽ khó khăn trong việc tiếp tục cuộc chiến ở Ukraina. Thực tiễn rồi đây có như thế hay không phụ thuộc vào thực lực tài chính của Nga và vào việc Nga có tìm được nguồn thu mới bù lấp phần thiếu hụt do các nước kia cấm vận xuất khẩu năng lượng hay không.
Với quyết sách này, ông Biden gây dựng hình ảnh là người quyết tâm chơi sát ván và không khoan nhượng với Nga trong vấn đề chiến sự ở Ukraina và quyết định trước khi bị cả hai đảng trong quốc hội buộc phải quyết định như vậy. Cái giá mà ông Biden phải trả về đối nội là tỉ lệ lạm phát ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng khi đã cao chưa từng thấy kể từ 40 năm trở lại đây ở nước Mỹ, bởi giá dầu lửa tăng trên thị trường thế giới và người tiêu dùng ở Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp. Giá năng lượng tăng cản trở tăng trưởng của kinh tế Mỹ và thế giới. Phía Nga chắc sẽ đáp trả quyết liệt.
Nếu không nhanh chóng tìm được nguồn cung ứng đâu lửa thay thế, giảm tỉ lệ lạm phát chứ không để tiếp tục tăng và duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đồng thời thúc ép được các đồng minh và đối tác tham gia cấm vận Nga xuất khẩu năng lượng, cũng như buộc Nga nhượng bộ về Ukraina, thì ông Biden và phe Đảng Dân chủ khó tránh khỏi bị cử tri Mỹ trừng phạt bằng lá phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay.