Bằng chứng cho thấy việc từng mắc COVID-19 có thể không giúp giảm nguy cơ tái nhiễm biến thể mới.
Theo ABC News, khả năng miễn dịch kéo dài bao lâu sau lây nhiễm tự nhiên vẫn là một trong những câu hỏi lớn trong thời kỳ đại dịch.
Các nhà khoa học vẫn cho rằng, việc tái nhiễm là khá hiếm và thường ít nghiêm trọng hơn so với lần nhiễm đầu tiên. Tuy nhiên những diễn biến dịch bệnh gần đây trên thế giới đã làm dấy lên những lo ngại.
Tại Nam Phi, tiến sĩ Shabir Madhi thuộc Đại học Witwatersrand ở Johannesburg cho biết, cho đến gần đây, tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra rằng, “việc lây nhiễm trước đó có khả năng bảo vệ trong ít nhất 9 tháng”.
Tiến sĩ Madhi dẫn đầu cuộc nghiên cứu thử nghiệm vaccine của Novavax và thấy rằng vaccine này kém hiệu quả hơn với biến thể mới. Nghiên cứu cũng tiết lộ, những ca nhiễm biến thể mới ở người từng mắc COVID-19 và người chưa từng mắc bệnh có mức độ phổ biến tương đương nhau.
“Thật không may, điều này cho chúng ta biết về cơ bản là việc lây nhiễm trong quá khứ là không có tác dụng bảo vệ chống các biến thể Nam Phi'', ông cho hay.
Ở Brazil, một số trường hợp tương tự đã được ghi nhận với loại biến thể virus mới tại đây. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem liệu tái nhiễm có giúp giải thích tình trạng gia tăng gần đây ở thành phố Manaus, nơi 3/4 cư dân được cho là đã từng mắc COVID-19 trước đây hay không.
Tại Mỹ, một nghiên cứu cho thấy 10% tân binh Thủy quân lục chiến có bằng chứng nhiễm bệnh trước đó và nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi bắt đầu huấn luyện cơ bản sau đó lại bị nhiễm bệnh. Tiến sĩ Stuart Sealfon, trưởng nhóm nghiên cứu đến từ trường Y Icahn tại Mount Sinai, New York, cho biết, nghiên cứu đã được thực hiện trước khi các biến thể mới bắt đầu lan rộng.
Ông nói: “Việc nhiễm bệnh trước đây không cung cấp cho bạn một vé miễn nhiễm. Nguy cơ tái nhiễm đáng kể vẫn còn đó".
Tái nhiễm đặt ra mối quan ngại về sức khỏe cộng đồng, không chỉ là vấn đề cá nhân. Ngay cả trong trường hợp tái nhiễm không gây ra triệu chứng hoặc chỉ phát bệnh nhẹ, virus vẫn có thể lây lan. Đó là lý do tại sao các quan chức y tế đang khuyến khích tiêm chủng như một giải pháp lâu dài hơn và khuyến khích mọi người đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay thường xuyên.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Chính phủ Mỹ cho biết: “Đó là một động lực để thực hiện những gì chúng tôi đã nhắc lại rất nhiều lần: Tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt và càng nhanh càng tốt''.
Ông cũng cho hay: “Tôi đã xem xét dữ liệu và thấy rằng tác dụng bảo vệ do vaccine mang lại thậm chí có thể tốt hơn một chút" so với lây nhiễm tự nhiên.