Biển Đông: Việt Nam mạnh lên, các nước cùng có lợi

VÂN ANH thực hiện |

Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Lao Động, Tiến sĩ Trần Việt Thái - Viện phó Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao nhận định, Biển Đông ngày càng có vị trí quan trọng trong bối cảnh địa chính trị mới của thế giới, trong đó Việt Nam là một nhân tố cốt yếu trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở khu vực này.

Thúc đẩy thịnh vượng, hòa bình

Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về tình hình Biển Đông trong thời gian qua?

- Tình hình Biển Đông trong thời gian qua tương đối im ắng, và nó có nhiều nguyên nhân. Trước hết, Trung Quốc điều chỉnh giảm các hoạt động trên biển và của tàu bè. Trong năm 2017, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, kể cả với Philippines, ASEAN và Việt Nam.

Tình hình bề ngoài có vẻ dịu đi, nhưng bên trong họ vẫn đẩy mạnh các hoạt động củng cố sự hiện diện và nâng cao năng lực kiểm soát trên biển. Vấn đề mấu chốt hiện nay không phải là cải tạo hay bồi đắp trái phép đảo nhân tạo, mà là khả năng kiểm soát trên thực tế.

Im ắng trên báo chí, dịu về mặt đối ngoại và trên biển, còn bản chất của vấn đề là không thay đổi. Họ đang chuẩn bị cho khả năng kiểm soát tốt hơn cả trên mặt biển, trên không và dưới đáy biển. Từ năm ngoái đã có nhận định, tình hình Biển Đông bề ngoài lắng dịu, nhưng trên thực tế sóng ngầm vẫn còn lớn.

Thực tế cho thấy không quân và hải quân Trung Quốc thời gian gần đây tiến hành tập trận trên biển. Theo ông những động thái này có nguy cơ như thế nào với hòa bình, an ninh khu vực?

- Tập trận của không quân và hải quân Trung Quốc xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân. Nguyên nhân bên trong là quân đội Trung Quốc bước vào thời kỳ cải cách quyết liệt và thực chất, đi vào cấp chiến đấu. Họ cần diễn tập để làm quen phương thức tác chiến mới.

Quân đội Trung Quốc đang thay đổi phương thức tác chiến, lấy không quân, hải quân, tác chiến điện tử, tác chiến trên không gian mạng, tên lửa chiến lược làm nòng cốt, lấy tác chiến liên hợp, có sự chỉ huy thống nhất từ quân ủy trung ương mới. Do vậy, nhu cầu diễn tập tăng lên, cũng là để chuẩn bị cho quá trình thực hiện hiện đại hóa quân đội, thích ứng với những thay đổi trong bối cảnh họ đang cải cách.

Nguyên nhân bên ngoài có yếu tố của Mỹ. Vừa rồi, Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra tự do an toàn hàng hải như từ trước đến nay vẫn làm. Do đó, tôi cho là tập trận gần đây của Trung Quốc có nhiều thông điệp, để răn đe đối thủ trong và ngoài khu vực rằng quân đội Trung Quốc đang thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh mới.

Khi một quân đội lúc nào cũng chuẩn bị với sức mạnh ngày càng tăng và phô diễn như thế thì không có lợi cho hòa bình và ổn định. Một cuộc diễn tập thuần túy khác với tập trận. Tập trận mà chuyển đi thông điệp cả bên trong lẫn bên ngoài thì thực sự không có lợi, làm gia tăng diễn biến khó lường và nguy cơ rủi ro ở khu vực.

Vậy với những hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, ông nhận định như thế nào?

- Biển Đông nằm trong chiến lược và lợi ích của Mỹ, họ hiện diện ở đây từ lâu. Sau khi Mỹ đưa ra chiến lược an ninh quốc gia, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và gần đây là chiến lược quốc phòng mới thì họ càng tăng cường duy trì lực lượng ở khu vực.

Việc Mỹ tăng cường hiện diện và xác định Ấn Độ - Thái Bình Dương là địa bàn chiến lược chính để cân bằng lực lượng có tác động hai mặt. Một mặt là Mỹ hiện diện tạo ra cân bằng mới, đóng góp cho hòa bình ổn định ở khu vực, nhưng mặt khác cũng có thể kích thích chạy đua vũ trang, kích thích phản ứng của các nước khác, trong đó có Trung Quốc.

Hiện tại có nhiều cường quốc ra vào khu vực này, không chỉ riêng Mỹ, nên phải theo dõi chặt mọi diễn biến. Cách Mỹ tương tác với các nước trong khu vực có ý nghĩa quan trọng với môi trường hòa bình ổn định ở đây.

Trong tương tác của Mỹ với các nước trong khu vực, Việt Nam là một nhân tố quan trọng. Tàu sân bay Mỹ mới vào thăm hữu nghị cảng Đà Nẵng, có các hoạt động giao lưu, nhân đạo, văn nghệ, vừa giúp xây dựng lòng tin, vừa tăng cường hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau. Chuyến thăm mang tính biểu tượng cao, thể hiện Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực về mặt địa chính trị, cũng như về mặt chính sách đối với Mỹ. Việt Nam có vị thế đáng kể trong quan hệ Việt-Mỹ cũng như trong quan hệ giữa các nước lớn.

Ông có thể nói rõ hơn về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ nói chung và sự can dự của Mỹ ở Biển Đông nói riêng dưới thời Tổng thống Donald Trump?

- Về chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, hiện Mỹ và Nhật Bản mới phối hợp đưa ra khung chiến lược, mới có mục tiêu và ba trụ cột. Nội hàm chi tiết các bước đi với từng đối tác và kế hoạch hành động đến giờ vẫn chưa có. Dù mới ở mức sơ khai, nhưng Mỹ và Nhật đã đạt một số thỏa thuận quan trọng.

Về mục tiêu, cả hai đều muốn duy trì Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương rộng mở dựa trên hòa bình, luật pháp quốc tế, ổn định và mở cửa cho tất cả các bên. Bên cạnh đó, chiến lược này mở rộng ra cả Ấn Độ Dương chứ không chỉ tây Thái Bình Dương, mà Biển Đông là điểm nối giữa hai đại dương này, do vậy có vị trí đặc biệt quan trọng.

Không gian hoạt động của Mỹ-Nhật tới đây sẽ rộng lớn hơn, có nhiều nhân tố cùng can dự, là những nước có quan điểm chung về duy trì hòa bình, ổn định dựa trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế, như Ấn Độ hay Australia.

Một điểm quan trọng nữa là chiến lược này dự kiến có 3 trụ cột: Thứ nhất, nêu cao chuẩn mực chung của khu vực là tự do, dựa trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế; hành xử có trách nhiệm, tất cả các bên có trách nhiệm trong sử dụng và bảo vệ tài sản chung của khu vực là các tuyến hàng hải, an ninh, an toàn bay.

Thứ hai là chia sẻ thịnh vượng. Mỹ, Nhật, Australia, các nước phương Tây cùng thúc đẩy để chia sẻ thịnh vượng, thu hút các nước trong khu vực như ASEAN, trong đó có Việt Nam, để mở cửa thị trường, nâng cao năng lực, cải thiện môi trường đầu tư.

Họ nói rõ, một đất nước Việt Nam phát triển thịnh vượng, đủ năng lực để tự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình là nằm trong lợi ích quốc gia của các nước. Tức là Việt Nam mạnh lên, phát triển hơn thì họ có lợi.

Cuối cùng, họ tăng cường hợp tác về an ninh quốc phòng, tăng cường giúp các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam hay Philippines nâng cao năng lực trên biển cho quân y, cảnh sát biển, nâng cao nhận thức cho người dân, năng lực thực thi pháp luật trên biển. Gần đây Mỹ bàn giao một số trang thiết bị quốc phòng cho Việt Nam, như xuồng tuần tra cao tốc, phù hợp với mục tiêu Việt Nam mạnh lên là có lợi cho khu vực.

Theo tôi, sự can dự của Mỹ ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump khác với người tiền nhiệm Barack Obama là can dự trên thực địa nhiều hơn, thiên về an ninh quốc phòng nhiều hơn. Trước đó thì ông Obama can dự cả về kinh tế thương mại mà ít trên thực địa. Tôi cho rằng chính quyền Mỹ thể hiện quyết tâm cao hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump, điều chỉnh lực lượng sang đây mạnh mẽ hơn.

Tiếng nói của Việt Nam: Điểm tham chiếu quan trọng trong ASEAN

Gần đây có ý kiến của một số chuyên gia cho rằng nên quốc tế hóa và đưa vấn đề Biển Đông ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ý kiến của ông như thế nào?

- Tôi không phải là chuyên gia pháp lý hay chuyên gia về Liên Hợp Quốc, nhưng theo quan điểm cá nhân tôi quan sát từ nhiều năm qua, vấn đề Biển Đông hiện nay không còn thuần túy là vấn đề khu vực, không còn là vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa một vài quốc gia ở khu vực, mà trở thành vấn đề an ninh toàn cầu và là sự cạnh tranh giữa các nước lớn.

Khi trở thành vấn đề toàn cầu thì nó được đưa vào rất nhiều khuôn khổ, trong đó có những khuôn khổ như G20, ASEAN. Cộng đồng quốc tế, báo chí truyền thông, các học giả, các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia rất quan tâm.

Đưa vấn đề Biển Đông ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thì sẽ thúc đẩy sự quan tâm lên một bước cao hơn. Nhưng ở diễn đàn này chỉ có tính tham vấn, không có tính ràng buộc. Đưa ra Đại hội đồng không có giá trị lớn với Biển Đông trong bối cảnh hiện nay, khi mà ASEAN và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Tôi cho rằng khi chấp nhận đàm phán COC là Trung Quốc đã có điều chỉnh và chấp nhận đàm phán đa phương. Bản chất của vấn đề Biển Đông đã ít nhiều có sự thay đổi.

Ông nhìn nhận thế nào về khả năng đạt được COC trong năm nay giữa ASEAN và Trung Quốc? Ông mong chờ ASEAN sẽ có những động thái tích cực nào để đẩy nhanh quá trình này?

- ASEAN và Trung Quốc đã đạt được tiến triển bắt đầu đàm phán COC. Đây là một bước tích cực, nhưng không phải bước cuối cùng, vì tiến trình này chưa biết bao giờ kết thúc. ASEAN mong muốn sớm kết thúc và cá nhân tôi mong muốn có tính ràng buộc, nhưng đàm phán không đơn giản. Thông thường theo kinh nghiệm của tôi khi đàm phán các văn kiện pháp lý nói chung, vòng 1 sẽ thống nhất về lập trường, khuôn khổ về pháp lý để đàm phán. Vừa qua vòng 1 ở Nha Trang cơ bản cũng thế, tôi cho rằng có hai tín hiệu tích cực nhất.

Trước hết, các bên nhất trí lấy một dự thảo chung (dự thảo Zero) để đi vào đàm phán, ít nhất tránh được những khác biệt lập trường, gói vào trong 1 bản để dễ đàm phán về mặt kỹ thuật.

Thứ hai, Trung Quốc nhận lời vòng tiếp theo là tháng 5, cho thấy họ có cam kết trong tiến trình đó. Còn đàm phán đến khi nào kết thúc thì liên quan đến nhiều yếu tố, cả yếu tố kỹ thuật lẫn chính trị. Tôi mong chờ ASEAN điều phối sớm để đẩy nhanh tham vấn nội bộ. Muốn vậy phải có đội ngũ chuyên gia và khâu phối hợp phải tốt.

Theo ông làm cách nào để ngày càng thúc đẩy lòng tin giữa Việt Nam và Trung Quốc?

- Trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ Việt-Trung nói riêng thì lòng tin là điều hết sức quan trọng. Quan hệ Việt-Trung có thời kỳ lòng tin rất cao, nhưng không may là có giai đoạn lòng tin sụt giảm. Tuy nhiên, do hai bên có khuôn khổ quan hệ tương đối ổn định, do sự tùy thuộc lẫn nhau về kinh tế gia tăng, nên ngoài lòng tin thì cơ sở và nền tảng pháp lý khuôn khổ hợp tác đã góp phần giữ cho quan hệ Việt-Trung ổn định và đi theo quỹ đạo mà hai bên mong muốn, dù có ít nhiều biến động.

“Tôi cho rằng lòng tin Việt-Trung ở cấp chiến lược thời gian qua đã được củng cố. Quan hệ kênh Đảng và nhân dân phát triển tốt, giao lưu nhân dân, đoàn thể được duy trì. Điều đó góp phần quan trọng vào duy trì lòng tin”, Tiến sĩ Trần Việt Thái.

Lòng tin Việt-Trung thể hiện ở các chuyến đi cấp cao. Ít nhất phải tin nhau, phải có hợp tác và nền tảng nào đấy thì mới có những chuyến thăm đạt kết quả rất tốt như vậy.

Để thúc đẩy hơn nữa lòng tin, tôi cho rằng Trung Quốc nên chủ động minh bạch hóa chính sách để chính giới và người dân Việt Nam hiểu hơn. Ví dụ họ có chủ trương mở rộng thị trường, tới đây dự kiến mở rộng hơn nhập khẩu nông sản Việt Nam. Cái đó chúng ta phải tuyên truyền thêm. Đừng nhìn Trung Quốc một chiều quá hoặc thành kiến quá là không nên.

Bên cạnh đó, cần tăng cường giao lưu các cấp, đặc biệt là cấp chiến lược. Quan hệ Việt-Trung là một trong những quan hệ mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan hoạch định chính sách cấp vĩ mô của Việt Nam đầu tư rất nhiều công sức.

Năm 2018 chắc sẽ có các chuyến viếng thăm lẫn nhau ở cấp cao. Vừa rồi, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã thăm chính thức Việt Nam ngay sau khi được đề bạt, đó là điểm rất tích cực.

Nỗ lực của Việt Nam trong gìn giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông liên tiếp được củng cố như thế nào, thưa ông?

- Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông bằng chính sách nhất quán. Việt Nam mong muốn Biển Đông là một khu vực hòa bình, ổn định, mở cho tất cả các bên, dựa vào luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Biển Đông là khu vực mà ở đó tự do và an ninh, an toàn hàng không và hàng hải được đảm bảo, là sân chơi chung cho cả khu vực.

Việt Nam đã nỗ lực hết sức để xử lý quan hệ với Trung Quốc một cách khéo léo, hài hòa trong bối cảnh quan hệ giữa các nước lớn ngày càng phức tạp, trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc đang vươn lên ngày càng tăng. Rõ nhất là trong hội nghị cấp cao APEC 2017, chúng ta đã xử lý rất thành công - từ góc độ quan sát tôi thấy như vậy.

Trong ASEAN, cách đề cập của Việt Nam là phù hợp. Vị trí, tiếng nói và vai trò của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông nói riêng và trong các vấn đề an ninh khu vực nói chung ngày càng quan trọng. Các nước ASEAN đều nhìn vào Việt Nam để điều chỉnh lập trường, phát ngôn sao cho hài hòa. Chính sách, lập trường và quan điểm của Việt Nam trở thành điểm tham chiếu quan trọng trong ASEAN. Vai trò của Việt Nam trong các diễn đàn trong khuôn khổ ASEAN, cũng như trong ASEAN với các đối tác bên ngoài rất quan trọng.

Trên thực địa, Việt Nam cố gắng giữ ổn định, không để tình hình phức tạp, bảo vệ tốt nhất những cái chúng ta đang có. Trên ngoại giao, thành công của đối ngoại 2017, kể cả song phương và đa phương, góp phần quan trọng vào duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, trong đó có tình hình trên Biển Đông. Báo chí truyền thông có đóng góp rất tích cực.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

VÂN ANH thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa không có sự đồng ý của Việt Nam là hoàn toàn vô giá trị, bất hợp pháp

Hải Anh |

Các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các bên mà không có sự đồng ý của Việt Nam là hoàn toàn vô giá trị và bất hợp pháp.

Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết

H.Liên |

Việt Nam đề cập tới vấn đề Biển Đông trong hội nghị Bộ trưởng lần thứ 18 Phong trào Không liên kết (KLK) với chủ đề "Thúc đẩy hoà bình và ổn định vì sự phát triển bền vững" diễn ra ngày 5-6.4, tại thủ đô Baku, Azerbaijan.

Mỹ hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đàm phán thực chất COC

Thanh Hà |

Mỹ hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đi vào đàm phán thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong hội nghị Đối thoại ASEAN-Mỹ lần thứ 31, tại Selangor, Malaysia từ 2-3.4. 

Cứu thành công cháu bé 9 tuổi bị mắc kẹt ở khe hẹp giữa 2 nhà

Văn Đức |

Lào Cai - Lực lượng cứu hộ đã giải cứu thành công cháu bé bị mắc kẹt giữa 2 tường nhà sau 30 phút.

Bình Dương: 1 giám đốc trung tâm đăng kiểm làm việc với cơ quan điều tra

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Ngày 13.1, trên mạng xôn xao tin đồn giám đốc một trung tâm đăng kiểm ở Bình Dương bị khởi tố, bắt giam để điều tra vi phạm liên quan đến vụ án đưa và nhận hối lộ ở các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh, thành phố.

Khánh thành cầu trị giá hơn 2 tỉ do Quỹ XHTT Tấm lòng Vàng Lao Động tài trợ

NHÓM PV |

Cần Thơ - Chiều 13.1, cầu kênh A7 ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, do Quỹ Xã hội Từ thiện Tấm Lòng Vàng Lao Động tài trợ xây dựng đã chính thức được khánh thành.

Nghề làm bánh phồng tôm truyền thống 3 đời tất bật sản xuất bán Tết

TẠ QUANG |

Vào những ngày cận Tết, cơ sở bánh gia truyền 3 đời nức tiếng tại TP. Cần Thơ “bánh phồng tôm Dương gia” lại tất bật sản xuất bánh bán Tết và kiếm thu nhập tiền triệu mỗi ngày.

Thang máy chung cư rơi ở Nha Trang: Yêu cầu công khai chất lượng kiểm định

Hữu Long |

Khánh Hòa - Sau khi mời chủ đầu tư lên làm việc, Sở Xây dựng Khánh Hòa đã yêu cầu có báo cáo khắc phục sự cố thang máy rơi. Trước mắt, Sở yêu cầu chủ đầu tư công khai thông tin kiểm định các tháng máy để người dân giám sát.

Hoạt động ở Hoàng Sa, Trường Sa không có sự đồng ý của Việt Nam là hoàn toàn vô giá trị, bất hợp pháp

Hải Anh |

Các hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các bên mà không có sự đồng ý của Việt Nam là hoàn toàn vô giá trị và bất hợp pháp.

Việt Nam nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng Phong trào Không liên kết

H.Liên |

Việt Nam đề cập tới vấn đề Biển Đông trong hội nghị Bộ trưởng lần thứ 18 Phong trào Không liên kết (KLK) với chủ đề "Thúc đẩy hoà bình và ổn định vì sự phát triển bền vững" diễn ra ngày 5-6.4, tại thủ đô Baku, Azerbaijan.

Mỹ hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đàm phán thực chất COC

Thanh Hà |

Mỹ hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc đi vào đàm phán thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong hội nghị Đối thoại ASEAN-Mỹ lần thứ 31, tại Selangor, Malaysia từ 2-3.4.