Những thảm họa này cũng cướp đi sinh mạng của ít nhất 3.500 người và khiến hơn 13,5 triệu người phải sơ tán, theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ toàn cầu Christian Aid công bố ngày 28.12.
Từ vụ cháy rừng ở Australia vào tháng 1 đến số lượng kỷ lục các trận bão Đại Tây Dương trong suốt tháng 11, tổn thất thực sự do các thảm họa thời tiết mà biến đổi khí hậu là tác nhân thúc đẩy trên thực tế cao hơn nhiều bởi hầu hết các thiệt hại đều không có bảo hiểm, AFP lưu ý.
Báo cáo của Christian Aid dẫn một nghiên cứu tháng trước trên The Lancet chỉ ra, chỉ 4% thiệt hại kinh tế từ các sự kiện cực đoan do tác động của khí hậu ảnh hưởng tới các nước có thu nhập thấp được bảo hiểm, trong khi ở các nước có thu nhập cao, con số này là tới 60%.
“Cho dù lũ lụt ở Châu Á, châu chấu ở Châu Phi, hay bão ở Châu Âu và Châu Mỹ, biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục hoành hành trong năm 2020" - Kat Kramer, người đứng đầu chính sách khí hậu của Christian Aid, nói.
Kỷ lục của năm nay là 30 cơn bão được đặt tên hình thành ở Đại Tây Dương khiến ít nhất 400 người thiệt mạng và gây ra 41 tỉ USD thiệt hại, cho thấy thế giới có thể sẽ chứng kiến nhiều cơn bão như vậy hơn nữa.
Lũ lụt dữ dội vào mùa hè ở Trung Quốc và Ấn Độ trong một mùa mưa bất thường cũng xảy ra trong năm nay.
Đáng lưu ý, 5 trong số các sự kiện thời tiết cực đoan gây tốn kém nhất trong năm 2020 có liên quan đến mùa mưa bất thường ở Châu Á.
“Lũ lụt năm 2020 là một trong những trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử của Bangladesh, hơn 1/4 diện tích đất nước chìm trong nước" - Shahjahan Mondal, Giám đốc Viện Quản lý Nước và Lũ lụt tại Đại học Kỹ thuật và Công nghệ Bangladesh, nói.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, cháy rừng thiêu rụi các khu vực có diện tích kỷ lục ở California, Mỹ và Australia cũng như vùng Siberia của Nga.