AP đưa tin, vào giữa tháng 2.2021, chỉ dưới 4% người dân sống ở 27 quốc gia EU đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng COVID-19, so với gần 12% ở Mỹ, theo dữ liệu Our World in Data - ấn phẩm khoa học trực tuyến kết nối với Đại học Oxford.
Giờ đây, EU đã vượt qua Mỹ, với khoảng 60% cư dân của khối được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, so với dưới 58% người Mỹ.
Riêng tại Italia, có khoảng 63% người từ 12 tuổi trở lên được chủng đầy đủ - nhiều hơn so với Pháp, Đức và Mỹ nếu tính theo tỉ lệ liều tiêm trên mỗi 100 người.
Người dân ở Italia hiện phải trình bằng chứng đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine hoặc đã phục hồi sau mắc COVID-19 hoặc gần đây có kết quả xét nghiệm âm tính nếu muốn dùng bữa tối ở nhà hàng, đến phòng tập thể dục hoặc đến các buổi hòa nhạc, nhà hát, bảo tàng và các địa điểm du lịch như Đấu trường La Mã.
Các nhà chức trách Châu Âu cho rằng thành công ở Italia và các quốc gia khác là nhờ vào hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc hữu hóa và công chúng tin tưởng vào sự an toàn của chủng ngừa.
Trong khi Mỹ và Anh cấp phép khẩn cấp để triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 một cách nhanh chóng, thì EU mất nhiều thời gian hơn trong phê duyệt hoàn toàn vaccine, khiến cho tốc độ chủng ngừa ban đầu bị chậm. Tiến sĩ Peter Liese, thành viên Nghị viện Châu Âu đến từ Đức, giải thích rằng, điều này là hoàn toàn xứng đáng vì giúp người dân tin tưởng hơn vào quy trình phê duyệt vaccine và rằng họ tập trung vào chiến lược tiêm chủng dài hạn thay vì ngắn hạn.
Sự thay đổi cũng được nhìn thấy rõ ở Tây Ban Nha. Vào giữa tháng 4.2021, khi gần 1/4 tổng số người Mỹ được tiêm phòng đầy đủ, chỉ có 7% người Tây Ban Nha được bảo vệ tương tự, theo Our World in Data. Nhưng đến nay, gần 60% trong tổng số khoảng 47 triệu người của Tây Ban Nha đã được tiêm chủng đầy đủ, so với tỉ lệ khoảng một nửa ở Mỹ.
Bồ Đào Nha, với khoảng 10 triệu dân, đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 1/3 dân số vào cuối tháng 6 và đang trên đà đạt được 70% vào cuối mùa hè.
Yếu tố chính kìm hãm EU ban đầu là quyết định mua vaccine COVID-19 cho cả khối thay vì các quốc gia riêng lẻ. Chuyên gia cho rằng, động thái này nhằm đảm bảo các quốc gia thành viên nhỏ hơn không bị bỏ rơi, nhưng cuối cùng lại mất nhiều thời gian hơn để đàm phán với các công ty dược phẩm. Sự chậm trễ giao hàng của AstraZeneca thời kỳ đầu cũng góp phần ảnh hưởng đến tốc độ tiêm chủng ở EU.
Mỹ tỏ ro hiệu quả hơn trong việc phân phối vaccine, nhanh chóng thiết lập các điểm tiêm chủng quy mô lớn và phân phối vaccine qua các hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa và những nơi khác trong khu vực, trong khi EU ban đầu tập trung vào các bệnh viện và các cơ sở y tế khác.
Tuy nhiên, không phải tất cả quốc gia EU đều đạt thành tựu trong chiến dịch tiêm chủng. Có sự khác biệt nhất định giữa các quốc gia thành viên, ví dụ, ở Hà Lan 85% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi ở Bulgaria là chưa đến 20%.
Cũng có những dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy chiến dịch tiêm chủng của Châu Âu đang dần chững lại.
Tại Đức, nơi có 54% dân số được tiêm chủng đầy đủ, số lượng mũi tiêm thực hiện mỗi ngày đã giảm từ hơn 1 triệu mũi vào tháng 5 xuống còn khoảng 500.000.
Các quan chức đã bắt đầu thúc đẩy việc tiêm chủng nhiều hơn tại các siêu thị và trung tâm thành phố, song song với việc đưa ra các biện pháp khuyến khích, đặc biệt là đối với giới trẻ.