Tương tự, nguồn tin của Tass (hãng tin lớn nhất của Liên bang Nga) cho hay, việc vận chuyển đợt thiết bị đầu tiên cho lô tên lửa S-400 thứ hai của Trung Quốc dự kiến bằng đường biển, xuất phát từ biển Baltic vào cuối tháng 7.
Có "ít nhất 3 chuyến tàu được sử dụng" để giao trọn vẹn lô tên lửa S-400 thứ hai cho Trung Quốc. Tuy nhiên, không tiết lộ thời gian xuất phát của các chuyến tàu đợt hai và đợt ba.
Theo nguồn tin này, sở chỉ huy trung đoàn tên lửa, các trạm phóng S-400, radar, các thiết bị phụ trợ và động cơ cũng như phụ tùng sẽ được chuyển cho phía Trung Quốc.
Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa xác nhận thông tin về các báo cáo.
Trung Quốc ký hợp đồng trị giá 3 tỉ USD năm 2015 để mua 6 tổ hợp tên lửa S-400.
Lô tên lửa S-400 đầu tiên của Trung Quốc được giao vào tháng 5 năm ngoái. Trước đó, lô hàng này buộc phải trở lại Nga sau khi tàu chở S-400 gặp bão ở eo biển Manche làm hư hỏng các phụ tùng của S-400.
Đến tháng 12 cùng năm, lần đầu tiên PLARF đưa vào thử nghiệm hệ thống S-400.
Trung Quốc là khách hàng đầu tiên mua tổ hợp tên lửa S-400 do Nga sản xuất. Sau Trung Quốc, nhiều nước trong đó có Ấn Độ, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng với Nga để sở hữu hệ thống vũ khí tiên tiến này. Morocco, Iraq và Belarus cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến S-400.
Tháng 9 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt Cục Phát triển Vật tư - cơ quan mua sắm vũ khí hàng đầu Trung Quốc và Giám đốc Cục này, tướng Li Shangfu theo Luật chống đối phương của Mỹ, thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA). Cục này bị trừng phạt vì mua tiêm kích hiện đại Su-35 của Nga và tên lửa đất đối không S-400.