Các nhà thiên văn học xác nhận một lỗ hổng lớn đã mở ra trên bề mặt bầu khí quyển Mặt trời. Lỗ hổng này xuất hiện ở vùng xích đạo của Mặt trời. Do đó, một dòng hạt mặt trời từ đây có hướng di chuyển qua Trái đất.
Phân tích cho thấy, các hạt mặt trời đang di chuyển với tốc độ đáng kinh ngạc 600km/s, hay hơn 2,1 triệu km/h.
Dù cơn bão mặt trời này không được xem là nguy hiểm nhưng có thể gây ra cực quang, theo các chuyên gia.
Nhà thiên văn học, Tiến sĩ Tony Philips chia sẻ trên blog Thời tiết Vũ trụ ngày 21.5 rằng: "Hôm nay, Trái đất nằm trong một luồng gió mặt trời chạy gần 600 km/s từ một lỗ ở xích đạo trong bầu khí quyển của Mặt trời. Những người quan sát bầu trời ở các vĩ độ cao nên cảnh giác với cực quang, đặc biệt là ở nam bán cầu nơi râm mát mùa thu tạo điều kiện cho tầm nhìn".
Cực quang được tạo ra khi các hạt mặt trời va vào bầu khí quyển. Khi từ quyển bị gió mặt trời tấn công liên tiếp, những ánh sáng màu xanh lam tuyệt đẹp có thể xuất hiện lúc lớp khí quyển làm lệch hướng các hạt mặt trời.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, hậu quả từ một cơn bão mặt trời và thời tiết vũ trụ có thể tác động hơn cả cực quang. Các cơn bão mặt trời có thể ảnh hưởng đến công nghệ dựa trên vệ tinh.
Gió mặt trời có thể đốt nóng bầu khí quyển bên ngoài Trái đất, khiến bầu khí quyển này nở ra. Điều này có thể ảnh hưởng đến các vệ tinh trên quỹ đạo, có khả năng khiến định vị GPS, tín hiệu điện thoại di động và truyền hình vệ tinh bị yếu đi.
Sự gia tăng các hạt mặt trời cũng có thể dẫn đến dòng điện cao trong từ quyển. Do đó, điện năng cao hơn bình thường trong đường dây điện, dẫn đến nguy cơ nổ máy biến áp, trạm phát điện và mất điện.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra, trung bình 25 năm một lần Mặt trời phát ra các tia ánh sáng cực đoan, với lần va chạm Trái đất gần đây nhất năm 1989. Cơn bão mặt trời năm 1989 gây mất điện ở Quebec, Canada.