Theo Live Science, trong 4 phát hiện riêng biệt, các nhà nghiên cứu và thợ săn hóa thạch nghiệp dư đã phát hiện ra đốt sống của một số loài cá mập hiện đã tuyệt chủng. Cả 4 đốt sống đều có vết cắn của cá mập.
Các nhà nghiên cứu cho hay, những phát hiện này thật phi thường, vì cá mập không có xương mà chỉ có sụn và sụn thì rất khó để hóa thạch.
Khám phá cho thấy, hàng triệu năm về trước tại vùng là Bờ Đông Mỹ ngày nay, những con cá mập cổ đại đã nuốt chửng cả đồng loại của chúng.
Đồng tác giả nghiên cứu Victor Perez nói với Live Science trong một email rằng, những con cá mập đã săn lẫn nhau trong hàng triệu năm, nhưng những sự kiện này hiếm khi được báo cáo do sụn rất khó tồn tại lâu.
Các nhà khoa học từ lâu đã biết về hành vi ăn thịt đồng loại của cá mập. Một số loài cá mập như cá mập mako, cá nhám phơi nắng và cá mập trắng lớn, đôi lúc ăn thịt cả anh chị em của chúng khi còn trong bụng mẹ.
Những con cá mập cổ đại đã để lại vết cắn của chúng trên vô số con thú cổ đại, bao gồm trên xương của động vật có vú biển, cá vây tia và bò sát, thậm chí cả loài pterosaurs - loài bò sát bay sống trong thời đại khủng long. Tuy nhiên, bằng chứng về các cuộc hỗn chiến giữa những con cá mập cổ đại là khá hiếm.
Bằng chứng lâu đời nhất về việc ăn thịt đồng loại của cá mập có niên đại từ kỷ Devon (khoảng 358,9-419,2 triệu năm trước): Một con cá mập Cladoselache đã nuốt chửng một con cá mập khác và con cá mập xấu số đã bị hóa thạch trong ruột của kẻ săn mồi.
Trong nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra 3 hóa thạch cá mập được tìm thấy tại vách đá Calvert trên bờ biển Maryland (Mỹ) từ năm 2002 đến năm 2016, và 1 hóa thạch thứ tư được phát hiện tại mỏ phosphat ở Bắc Carolina (Mỹ) vào những năm 1980. Tất cả hóa thạch có niên đại từ kỷ Neogen (2,58-23,03 triệu năm trước), thời kỳ mà megalodon (Otodus megalodon) - loài cá mập lớn nhất thế giới được ghi nhận - đang thống trị các vùng biển. Tuy nhiên, megalodon không tham gia vào 4 cuộc tấn công này.
Không giống như xương chắc chắn, sụn cá mập là mô mềm, nhanh chóng bị vỡ ra sau khi con vật chết. Vì vậy, việc tìm thấy sụn của cá mập chết đã là rất khó, nhưng việc tìm thấy sụn có dấu vết vết cắn còn khó hơn nhiều.
Vậy 4 hóa thạch này đã tồn tại như thế nào? Tất cả chúng là đốt sống tạo nên cột sống. Đốt sống của cột sống được cấu tạo từ sụn vôi hóa dày đặc giúp tồn tại tốt hơn các phần khác. Trên thực tế, 4 hóa thạch này là những đốt sống của cột sống cá mập cổ đại đầu tiên được ghi nhận có vết cắn của cá mập. Một hóa thạch từ Maryland vẫn còn giắt 2 chiếc răng dài gần 4cm. Vết thương ở vị trí đó có dấu hiệu lành lại, cho thấy con cá mập đã sống sót sau cuộc chạm trán.